Gần chục năm trước, chị Vũ Thị Sáu, hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội khi được hỏi về “chốn an cư”. Thuê nhà giá rẻ là giải pháp được chị Sáu lựa chọn.
Cùng cảnh công nhân nghèo, chị Nhung rời quê Phú Thọ đến KCN Quang Minh, Hà Nội xin vào làm công nhân. Mức lương ít, chồng chị thu nhập bấp bênh, nên để mua được một căn nhà ở thủ đô Hà Nội là một chuyện xa vời. Để “bám trụ”, gia đình chị Nhung phải đi thuê nhà trọ. 5 năm lấy chồng thì có tới 4 lần chị phải chuyển nhà trọ. Hiện gia đình chị Nhung đang thuê trong căn phòng chỉ 12m2 ở tổ dân phố số 5, thôn Gia Thượng, xã Quang Minh, huyện Mê Linh. Do giá rẻ nên căn phòng đã xuống cấp, nóng bức vào mùa hè, ẩm thấp vào mùa mưa.
Từ Tuyên Quang xuống Hà Nội làm việc, hơn 15 năm qua, anh Nguyễn Hữu Chính 36 tuổi, công nhân làm việc tại một doanh nghiệp đóng tại huyện Gia Lâm luôn mơ ước có một ngôi nhà nhỏ.
Hiện có hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân chỉ từ 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Giá mỗi m2 nhà ở xã hội ở thành phố lớn khoảng 25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng mỗi căn, người mua được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ. Theo tính toán của chuyên gia, những gia đình hai vợ chồng làm công nhân, phải tiết kiệm cật lực trong cả đời làm việc nhưng cũng không thể tiết kiệm để mua được một căn nhà.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2022, cả nước có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 98 dự án đang triển khai, các sở xây dựng ban hành văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở trong tương lai 9 dự án. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội cấp phép mới. Trong quý 2, con số này tăng không đáng kể. Trước nhu cầu lớn về nhà ở của người lao động có thu nhập thấp thì số lượng dự án nhà ở xã hội như vậy vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản cho rằng: Giá nhà hiện nay quá đắt so với thu nhập của một người bình thường. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để tìm được một căn nhà dưới 2 tỷ là rất khó, trong khi nhà ở xã hội lại “nhỏ giọt”. Chính vì vậy, người lao động chỉ có giải pháp tình thế là thuê nhà ở của người dân.
Tại Nghị định số 100/2015 sửa đổi bởi Nghị định số 49/2021 về phát triển, quản lý nhà ở xã hội cũng đã có điều khoản về xử phạt đối với chủ đầu tư hoặc địa phương không bố trí nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại hoặc tại các khu đô thị. Nhưng nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp đã xin nộp phạt để không thực hiện nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, do thiếu quỹ đất, xây nhà ở xã hội lợi nhuận thấp, thủ tục rườm rà... là những vấn đề gặp phải khi xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. “Xây nhà ở thương mại, doanh nghiệp cũng phải trải qua thủ tục rườm rà giống nhà ở xã hội nhưng số lãi gấp nhiều lần nhà cho người có thu nhập thấp nên chẳng dại gì doanh nghiệp lại phải “đeo gông vào cổ”” – ông Đính nói.
Để gỡ “nút thắt” về nhà ở dành cho những người có thu nhập thấp, chúng ta cần phải có những chính sách phù hợp với doanh nghiệp đầu tư, địa phương như: nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích để thu hút doanh nghiệp, nếu không người lao động có thu nhập thấp vẫn không bao giờ dám “mơ” về một mái nhà ở nơi lập nghiệp./.
Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính tại đây: