Hội thảo khoa học quốc tế tổ chức sáng 14/6/2024 với chủ đề "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số" được các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế quan tâm thảo luận.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên Diễn đàn Báo chí tháng 6 lần thứ ba (năm 2024), do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH&NV) đồng chủ trì.
Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam
Hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài phát thanh, truyền hình giảm 23% so với năm 2022. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống…
Trong khi đó, hiện nay hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước; chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn, các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí sẽ đóng góp các ý kiến khách quan, đầy đủ trên các khía cạnh liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay. Qua đó, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền những kiến giải tháo gỡ những “nút thắt” liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông.
PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hoá và chuyển đổi số, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí truyền thông nhằm thu hút công chúng và lôi kéo nhà quảng cáo diễn ra ngày một gay gắt, quyết liệt. Sự xuất hiện và lan truyền rộng khắp của các nền tảng số (như Facebook, Google và Apple) cùng với khả năng bứt phá đáng kinh ngạc của công nghệ thông tin đang thách thức các mô hình kinh doanh truyền thống, từng đem lại thành công cho các cơ quan báo chí nhiều thập kỷ qua.
Trong bối cảnh, ngân sách Nhà nước cấp cho các cơ quan báo chí chiếm tỷ lệ thấp và ngày càng giảm, hoạt động liên kết sản xuất chương trình của các đài phát thanh truyền hình bị thu hẹp đáng kể về số lượng đối tác và số lượng chương trình, doanh thu từ quảng cáo sa sút.
Đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với các mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước), các cơ quan báo chí tối ưu hoá nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh: “Kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số đang đặt ra rất nhiều thời cơ và thách thức để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời, phải giữ vững mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước”.
Mang đến bức tranh tổng quát về doanh thu của các đơn vị báo chí, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân chia sẻ, cơ cấu doanh thu của các đơn vị báo chí hiện nay đã có sự thay đổi. Vậy ngoài quảng cáo và độc giả theo truyền thống, nguồn thu nào là quan trọng nhất trong năm 2022 so với 2023?
Có nhiều hình thức khác nhau trong cơ cấu doanh thu của các cơ quan báo chí hiện nay. Trong đó, tổ chức sự kiện là một hình thức kinh doanh đang được các cơ quan báo chí triển khai, nguồn doanh thu từ tổ chức sự kiện có thể chiếm 20% tổng doanh thu ở một số cơ quan báo chí. Quảng cáo tạo nguồn thu quan trọng, tuy nhiên hiện nay đã giảm từ khoảng 90% xuống còn 40-50% doanh thu của các đơn vị báo chí do sự chiếm lĩnh của các dịch vụ báo chí điện tử khác. Ngoài ra, có các hình thức doanh thu mới như thương mại điện tử, cấp phép thương hiệu là một hình thức kinh doanh mới của báo chí thế giới; cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin; tái hiện các nội dung đã xuất bản, hoặc trở thành nhà bán lẻ các ấn phẩm, sản phẩm đặc thù...
Kinh tế báo chí truyền thông và những nút thắt
"Điểm nghẽn nào của kinh tế báo chí hiện nay"? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Bùi Chí Trung - chia sẻ những nút thắt trong phát triển kinh tế báo chí - truyền thông gồm: điểm nghẽn trong nhận thức, trong mục tiêu phát triển; điểm nghẽn giữa bùng nổ kỹ thuật và công nghệ, giữa “cung - cầu”; điểm nghẽn về động lực và lợi ích, trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí - truyền thông và thể chế quản lý.
Diễn giả nhấn mạnh, việc giải quyết bài toán cho kinh tế báo chí - truyền thông phải gắn với sắp xếp hệ thống báo chí toàn quốc. Việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ góc độ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn.
Giải pháp nào cho sự phát triển kinh tế báo chí truyền thông đặc thù của Việt Nam?
Trình bày tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thùy Dương - Tập đoàn Google nhấn mạnh các yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển tệp độc giả và cơ hội kinh doanh trên môi trường số. Đó là việc xây dựng sản phẩm khác biệt và tối ưu tương tác từ độc giả; xây dựng chiến lược dài hạn và lập mục tiêu rõ ràng, sản phẩm báo chí chất lượng và vận hành kỷ luật để đối mới sáng tạo.
Diễn giả Nguyễn Thùy Dương đưa ra ba gợi ý từ Google đối với các cơ quan báo chí trong phát triển kinh tế số, đó là các đơn vị báo chí cần trở nên thiết yếu với độc giả của mình; xây dựng quan hệ trực tiếp với độc giả để đa dạng hóa nguồn thu; thích ứng với sự thay đổi nhu cầu độc giả.
Chia sẻ về hệ sinh thái báo chí hiện đại, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Le Media Group cho biết, có 8 yếu tố cơ bản như: Các yếu tố chi phối, Công nghệ và dữ liệu, Cộng đồng và mạng xã hội, Khách hàng, Tòa soạn, Người sáng tạo nội dung, Người tiêu thụ và phản hồi nội dung, các nền tảng nội dung.
Người tiêu dùng nội dung hiện nay được phân mảnh sâu, thuộc nhiều đối tượng khác nhau (tổ chức, doanh nghiệp, người đọc, …). Mỗi đối tượng có “điểm chạm truyền thông” khác nhau, nhu cầu trải nghiệm khác nhau, phong cách đọc/xem khác nhau, sự quan tâm khác nhau đến nội dung số. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần có chiến lược để thấu hiểu người tiêu dùng nội dung trong phát triển kinh tế báo chí truyền thông.
Diễn giả đã gợi mở các mô hình kinh tế báo chí hiện nay, gồm: Doanh thu từ độc giả, doanh thu từ doanh nghiệp, doanh thu từ nguồn thu tự doanh; doanh thu từ dự án xã hội.