Nhiều năm làm phóng viên báo phát thanh và báo điện tử, anh Phạm Công Hân – Phó Tổng biên tập báo điện tử VOV đã lăn lộn với các mảng chính trị, xã hội, văn hóa. Anh Hân cho rằng, thời buổi công nghệ 4.0 hiện nay, một tờ báo đã khác hơn xưa rất nhiều với cách ví von: "Báo điện tử giống như một cửa hàng, trước đây hàng hóa khan hiếm, mình bán những mặt hàng gì người dân mua hết mặt hàng đó thì nay hàng hóa tràn ngập, người tiêu dùng có quyền lựa chọn mặt hàng nào bắt mắt, hợp với thị hiếu thì họ mua. Chính vì vậy, các tòa soạn phải tự làm mới mình để thu hút độc giả ".

Chính sự đổi khác và cạnh tranh hàng ngày giữa các tờ báo đã khiến phóng viên cũng phải thay đổi theo thời cuộc. Nếu trước đây, phóng viên chỉ làm 1 vai trò trong tòa soạn thì nay, chuyển đổi số đã khiến phóng viên bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ còn phải học hỏi để thuần thục các kỹ năng công nghệ, từ xử lý thông tin nguồn, tác nghiệp hiện trường, hình ảnh, đến cả video clip. Đồng thời, trong trường hợp không thể tham dự các sự kiện trực tiếp, tất cả các phóng viên đã chuyển qua hình thức khai thác thông tin trực tuyến.

Chính sự năng động của lãnh đạo và phóng viên đã làm tờ báo điện tử VOV trở thành một trong những tờ “hot”. Hàng ngày, số lượng truy cập của trang báo VOV điện tử lên đến cả triệu lượt và đã có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả, báo đã có những cách làm rất khác. Chị Minh Hòa - Trưởng phòng Xã hội - Báo điện tử VOV chia sẻ: Phóng viên giờ không chỉ biết chụp ảnh, quay phim mà còn phải biết làm cả clip để đưa lên mạng xã hội, thực hiện các thể loại e-magazine, infographic...

Thạc sỹ Vũ Thế Cường, giảng viên chuyên ngành báo mạng điện tử, báo chí đa phương tiện, truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Yếu tố đa phương tiện là điều tất yếu đối với các tòa soạn báo trong giai đoạn mới, tạo ra loại hình báo chí đa dạng, từ đó tạo ra sự sinh động, tính hấp dẫn đối với tác phẩm, giúp cho tác phẩm chuyển tải thông tin đến cho bạn đọc hiệu quả hơn, đây cũng chính là cách để lôi kéo công chúng để tăng lượng người đọc đối với từng sản phẩm báo chí. Đây cũng là điều hỗ trợ các tòa soạn báo đảm bảo tăng lợi ích kinh tế và tài chính.

Mới đây, Vietnamnet là 1 trong 3 tờ đã mở ra chuyên mục thu phí ban đọc. Đa số các sản phẩm được tính phí trên các tờ báo có tính phí được xây dựng dưới hình thức hướng đến loại hình báo chí đa phương tiện.

Theo Thạc sỹ Vũ Thế Cường, các tòa soạn báo đều đã nhận thức ra tầm quan trọng của loại hình báo chí đa phương tiện và việc sử dụng các loại hình báo chí khác nhau, nhưng một số đơn vị còn e dè, ngại thay đổi và ngại đầu tư trang thiết bị công nghệ phục vụ công tác chuyển đổi số của tòa soạn.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê nhận định: Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi cách làm việc cho phù hợp với thời cuộc mà còn giúp tòa soạn có thể kiếm được tiền từ việc chuyển đổi đó, tất nhiên lãnh đạo tòa soạn và phóng viên phải thay đổi cách làm việc, cách tiếp cận vấn đề và cả trang bị cho mình những kiến thức về công nghệ thông tin.

Quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho báo chí trên thế giới nói chung và báo chí ở nước ta nói riêng. Thực tiễn phát triển nhanh chóng, đa chiều, phức tạp của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… đã và đang làm nảy sinh những vấn đề cấp bách, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có “tiếng nói” kịp thời, trung thực, tỉnh táo. Do vậy, các cơ quan báo chí cần xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện. Đặc biệt, để tiếp tục đứng vững và phát triển trước sự cạnh tranh từ các phương tiện truyền thông xã hội, báo chí cần tạo được niềm tin cho người đọc từ chính thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, bảo đảm tính chính xác, tính khoa học, tính nhân văn, tính trách nhiệm cao với xã hội.

Mời quý vị nghe toàn bộ cuộc trao đổi với chủ đề "Báo chí thời công nghệ số - thách thức và cơ hội chuyển mình" tại đây: