Trao đổi bên hành lang Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐBQH đoàn Hà Nội) cho rằng: Cần phải có sự chấn chỉnh kịp thời, nếu không sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.

PV: Thưa đại biểu, chúng ta đã có rất nhiều đợt sốt đất, thế nhưng nếu như những lần trước, sốt đất thường xảy ra ở một số địa phương hay vùng miền, nhưng lần này lại khác, “cơn sốt” đất đai đã xảy ra ở khắp mọi nơi. Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao giá đất thời gian qua tăng phi mã?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Điều thứ nhất, tôi muốn nói, đó là có một số thay đổi về thông tin quy hoạch, dự án nên đã tạo ra “cơn sốt”. Thứ hai là yếu tố vĩ mô, do đại dịch Covid-19 nên dòng tiền đầu tư vào sản xuất và kinh doanh sụt giảm. Bên cạnh đó, ngân hàng giảm lãi suất nên người dân muốn tìm một kênh đầu tư mới hơn, kiếm lời tốt hơn gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào sản xuất kinh doanh như trước. Dựa vào đó, những nhà đầu tư hoặc “cò mồi” liên kết với nhau, tạo ra những thông tin không chuẩn xác, thổi giá đất lên, lôi kéo nhiều người tham gia đương nhiên đẩy giá đất lên.

PV: Ông có thể phân tích giá đất tăng đột ngột như vậy ảnh hưởng như thế nào đến các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào Việt Nam?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Đương nhiên các nhà đầu tư đều mong muốn có được đất đai để tiến hành kinh doanh, xây dựng cơ sở về đầu cho mình sẽ khó khăn vì chi phí đầu tư cho đất đai nhiều lên, giải phóng mặt bằng hay đền bù sẽ khó khăn hơn vì khi thị trường tăng cao thì sự thỏa mãn của người dân sẽ khó khi thực hiện chính sách đền bù. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều người dân vì giá đất tăng, một mặt người dân đổ xô đi mua đất, gom đất hoặc những người có đất thì sẽ găm đất, chờ giá lên, rõ ràng là điều kiện tiếp cận của các nhà đầu tư sẽ khó khăn hơn.

PV: Vậy các cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương phải làm gì để kiểm soát tình trạng "sốt" đất như hiện nay?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Nếu không can thiệp kịp thời để giá đất được quản lý theo định hướng của Nhà nước có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Vì vậy, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị thực hiện các giải pháp quản lý nhằm hạn chế hiện tượng sốt đất ảo, thổi giá đất. Theo tôi, cần có những biện pháp mang tính chất ngắn hạn, mang tính chất tình thế. Thứ nhất, ở những khu vực "sốt nóng", chính quyền có thể tạm thời dừng chứng nhận giao dịch hoặc tạm dừng làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để giảm "cơn sốt". Thứ hai, thông tin rộng rãi về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân biết rõ triển vọng sử dụng đất đai ở đó như thế nào, tránh tình trạng để giới đầu cơ, cò mồi tạo dựng lên thông tin không chính xác, người dân dễ bị cuốn theo thông tin mù mờ. Đây là những giải pháp mang tính chất tình thế, cấp bách cho những nơi “sốt nóng”.

Về lâu dài, chúng ta phải có biện pháp căn cơ hơn, phải có thông tin rộng rãi về quy hoạch hay dự án đó phải tiến hành theo lộ trình như thế nào? Những quy hoạch treo nhiều người "om" đất sẽ bị thiệt hại lớn nên phải công bố rõ ràng, đầy đủ, chi tiết, chấm dứt thông tin không đúng sự thật của cò mồi. Thứ nữa, căn bản hơn là chính sách về điều tiết giá trị đất đai khi có sự thay đổi của quy hoạch. Nhà nước thay đổi quy hoạch, Nhà nước mở đường hay đưa các dự án lớn vào thì giá trị đất đai tăng lên, điều này không phải trực tiếp cá nhân bỏ tiền ra đầu tư cho nên phải được điều tiết thông qua chính sách. Nếu chúng ta điều tiết tốt việc này thì không còn tình trạng chạy đua tìm thông tin đón trước quy hoạch hoặc mua để đó làm tăng giá đất. Như vậy không chỉ hạn chế được tình trạng "sốt" đất mà còn chống được đầu cơ đất đai, gom đất đai.

PV: Thưa ông, Luật đất đai đang được xem xét sửa đổi, bổ sung, vậy theo ông, với tình hình thực tiễn như hiện nay, sẽ có vấn đề gì phải được đặt ra xem xét khi sửa đổi Luật đất đai?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Luật đất đai có nhiều vướng mắc. Khiếu kiện đất đai là khiếu kiện nhiều nhất, trong vướng mắc đó đều xoay quanh lợi ích kinh tế. Như vậy cần phải thay đổi cách tiếp cận trong việc điều tiết lợi ích kinh tế đối với đất đai, làm thế nào để trong xử lý quan hệ về đất đai đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người đang có đất sử dụng với những người bị thu hồi và những người được nhận đất mới, nhất là khi Nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng, đầu tư dự án làm gia tăng giá trị của đất đai. Khi giải quyết hài hòa lợi ích thì sẽ không còn khiếu kiện như hiện nay, thậm chí chúng ta còn đảm bảo việc phân bổ nguồn lực đất đai đúng vào đối tượng sử dụng, tránh tình trạng khi chúng ta không có điều tiết lợi ích đúng thì những người nào có điều kiện, lợi thế thì sẽ gom đất, găm đất, càng chiếm giữ đất đai càng hưởng lợi nhiều hơn, tạo ra bất bình đẳng trong xã hội.

PV: Vậy để điều tiết việc tăng giá đất ảo, theo ông chúng ta cần phải sử dụng những công cụ quản lý nào?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chúng ta có rất nhiều công cụ để điều tiết, trong đó giá là một trong những công cụ rất căn bản, kèm theo đó là công cụ về thuế. Về giá, hiện nay đang có bất cập, chúng ta đang sử dụng hệ thống hai giá, một giá do Nhà nước xác định thông qua bảng giá và khung giá. Thứ hai là giá theo cơ chế thị trường, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó cơ chế thị trường phải được sử dụng tối đa để điều tiết, phân bổ và khai thác sử dụng các nguồn lực. Đất đai là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế thì chúng ta phải sử dụng tối đa quan hệ kinh tế thị trường, cơ chế thị trường trong việc xác định giá và định giá. Tuy nhiên, với việc chúng ta vẫn xác định giá đất theo khung giá và bảng giá không theo thị trường thì sẽ không thỏa mãn được lợi ích của những người quản lý đất đai. Bên cạnh đó, chúng ta phải sử dụng công cụ thuế, đây cũng là công cụ rất quan trọng để điều tiết hành vi sử dụng đất.

PV: Vâng, xin cám ơn ông!