Bạo lực gia đình – phần nổi của "tảng băng"

Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe của phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổ chức Y tế Thế giới. Kết quả cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực như thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế cũng như bị kiểm soát hành vi. Một khảo sát khác của các tổ chức phi chính phủ còn cho kết quả, cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em. Đáng buồn hơn là “mẫu số chung” của những cuộc điều tra, khảo sát đều cho thấy, bạo lực thường xảy ra ngay tại nơi được gọi là “tổ ấm” và do chồng gây ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực bạo lực giới, số liệu trên chưa phản ánh chính xác nạn bạo lực gia đình ở nước ta. “Nhiều phụ nữ vẫn còn tư tưởng không muốn “vạch áo cho người lưng”, sợ “xấu chàng hổ ai” nên âm thầm chịu đựng”, bà Lê Thị Phương Thúy, chuyên gia về bạo lực giới chia sẻ.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều phụ nữ sau khi được giải thoát khỏi những gã chồng “vũ phu” vẫn không thể tự lý giải vì sao mình bị đối xử thậm tệ. Chị Quách Thị V là một trong số đó. Làm nông nghiệp, công việc vất vả nhưng ngày nào chị V cũng lo cơm nước tươm tất, giặt giũ quần áo cho chồng, con. Những tưởng sẽ được chồng yêu thương nhưng trái lại, chị thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn vô cớ. Thậm chí, chị càng cố tỏ ra nhún nhường bao nhiêu thì mức độ bạo hành càng gia tăng. Cực chẳng đã, chị quyết định viết đơn ly hôn. “Khi biết tôi làm đơn ly hôn, chồng cầm cả dao đuổi đánh. Anh ta anh túm tóc, đập mặt tôi vào nền nhà, rồi lấy chân xéo lên đầu”, chị V nhớ lại. Cũng may cho chị V, bởi đó là trận đòn cuối cùng trước khi chị thoát được vòng tay của gã chồng “vũ phu”. Chị cho biết, dù rất thương con, không muốn con chịu cảnh “có mẹ thì không có bố”, nhưng chị không còn lựa chọn nào tốt hơn là viết đơn ra tòa xin ly hôn để có một cuộc sống an toàn.

Tương tự, chị Nguyễn Thị H cũng từng hết lòng yêu chiều chồng. Ban đầu, chị nhận được sự đền đáp xứng đáng. Nhưng sau đó, tình cảm của chồng dành cho chị dần thay đổi. Ban đầu là sự lạnh nhạt, tiếp đến là coi thường và những hành vi bạo lực. “Thời gian đầu anh ta chửi mắng, rồi sau đó là đánh với mức độ ngày càng cao thậm tệ. Cứ chửi em là đồ hết đát, vừa chửi rồi đánh. Mỗi lần em ở trong bếp, anh ta tới túm tóc, đập đầu em vào tủ bếp”, chị H kể.

Chị H là người có nhan sắc và học thức, thu nhập không thua kém gì chồng. Hơn thế, chị không làm bất cứ việc gì sai hay khuất tất. Thế nhưng, mức độ bạo hành mỗi ngày một gia tăng. Cho đến khi bị chồng cầm dao dọa giết, chị mới tỉnh ngộ và tự giải thoát cho mình. Ly hôn đã nhiều năm nhưng đến nay chị vẫn không thể hiểu vì sao mình bị đối xử thậm tệ đến thế. “Mình không phải là người bất tài, không “đui què, mẻ, sứt” gì cả. Mình nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng, vậy tại sao mình lại bị đối xử tàn nhẫn đến thế?

Để không rơi vào tình huống nguy hiểm

Bạo lực gia đình để lại hệ lụy rất lớn. Không chỉ gây ra nỗi đau về thể chất, bạo lực gia đình còn làm tổn hại nặng nề về tinh thần cho các nạn nhân và cả người thân. “Đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực gặp nhiều vấn đề về tâm lý, sức khỏe thể chất. Dẫn chứng khoa học thấy trẻ sống trong môi trường bạo lực bị còi, rối loạn tâm lý, hành vi, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội. Thậm chí, đứa trẻ trai khi trưởng thành còn có xu hướng làm theo hành vi, ứng xử sai trái của người bố; đứa trẻ gái có tâm lý chịu đựng bạo lực”, bà Lê Thị Phương Thúy, chuyên gia về bạo lực giới cảnh báo. Để viễn cảnh đó không xảy đến, bà Thúy cho rằng trong cuộc sống thường nhật người vợ cần có sự cân bằng với chồng về “quyền lực”, lợi ích, vị trí, tiếng nói trong gia đình và cả sự yêu thương. Người vợ không nên yêu chiều chồng một cách quá mức, nhất là với những yêu cầu vô lý, thái quá của chồng. Đó là cách tốt nhất để người vợ không rơi vào “thế yếu” và những tình huống nguy hiểm bởi những hành vi bạo lực.

Khi bị dọa đánh, giết và có nguy cơ bị tổn tại đến sức khỏe, tính mạng, người vợ cần làm bất cứ điều gì để mình được an toàn trong thời điểm đó. “Chẳng hạn mình đang bị đánh, bị dọa giết, có người vợ đã xử lý rất khéo. Chị này đã van xin chồng, xin được sống buổi tối hôm nay với con, rồi ngày mai anh làm gì cũng được. Chị ấy cần buổi tối hôm đó để tìm cách cầu cứu và trốn ra khỏi nhà” bà Thúy lấy ví dụ. Bà Thủy cũng lưu ý những người vợ cần có kế hoạch đảm bảo an toàn cho bản thân khi sống chung với một người chồng vũ phu “Khi người chồng định đánh, đe dọa, người vợ cần phải đứng ở những chỗ có lối thoát để chạy, hoặc biết chồng mình có tính vớ được cái gì thì cầm cái đó đánh mình thì người vợ cần cất kỹ những đồ có thể gây sát thương”. Bà Thúy cũng khuyên chị em phụ nữ cần lên tiếng khi bị bạo hành để được bảo vệ, được đảm bảo an toàn.

Nghe bài viết dưới đây: