Sáng nay (03/11) Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật đất đai sửa đổi. Các đại biểu bày tỏ tiếc nuối khi chứng kiến nhiều nơi đất bị hoang hóa, lãng phí. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội là một trong số đó. Ông cho rằng thời gian vừa qua, nhiều công viên trên địa bàn Hà Nội chậm tiến độ, xuống cấp, không đáp ứng được mong mỏi của người dân. Đây là điều rất đáng tiếc bởi giữa lòng thủ đô nhưng vẫn có những khu đất với diện tích lớn bị bỏ hoang do chậm tiến độ, thậm chí bị sử dụng sai mục đích như cho thuê làm quán bia, mở các dịch vụ để thu tiền. “Công viên là công trình không thể thiếu của đời sống đô thị. Đây là lá phổi xanh, địa điểm để người dân hưởng thụ, thư giãn và còn là minh chứng cho sự phát triển của Thủ đô. Rất tiếc suốt một thời gian dài, nhiều công viên trên địa bàn thành phố Hà Nội chậm tiến độ, xuống cấp”, ông Nghĩa bày tỏ.

PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng cùng chung tâm trạng khi thấy nhiều dự án treo, bỏ hoang đất, trong đó gồm các dự án có vốn đầu tư của từ ngân sách Nhà nước và vốn của tư nhân. Theo ông, dù vốn của ai đi chăng nữa thì việc bỏ hoang đất đều gây lãng phí về tài nguyên. “Có những dự án, Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp nhưng họ không dùng dẫn đến chuyện đất bị bỏ hoang”, PGS. TS Hoàng Văn Cường nêu thực tế.

Vấn đề lãng phí tài nguyên đất nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng). Ông dẫn phụ lục báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 với số lượng 28.000 héc-ta đất của 900 dự án, công trình chậm, không đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa và thốt lên rằng: “Nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang lãng phí rất lớn, không chỉ ảnh hưởng nguồn lực phát triển mà còn gây nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách”.

Từ thực tế được nêu ra và phân tích, Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai) cho rằng tình trạng lãng phí đất có nguyên nhân từ những bất cập trong chính sách pháp luật về đất đai, cần phải nghiên cứu kỹ để sửa đổi, bổ sung. “Có dự án kéo dài qua nhiều năm. Bây giờ có những tỉnh không biết xử lý thế nào. Tỉnh hỏi bộ thì bộ cũng không biết trả lời làm sao, mà cứ để như vậy thì càng ngày càng lãng phí”, bà Hằng nêu thực tế.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng) cho rằng tình trạng dự án treo, bỏ hoang hóa đất đai không chỉ lãng phí tài nguyên đất mà còn gây ra một số vấn đề tiêu cực trong xã hội. Bên cạnh việc thực thi pháp luật chưa triệt để có nguyên nhân từ các quy định về chế tài thu hồi, xử lý chưa rõ ràng. Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đây là vấn đề các đại biểu cần nghiên cứu, thảo luận để có hướng xử lý. “Thủ tục để người dân, doanh nghiệp được cấp đất thì rất phức tạp, họ tìm mọi cách để chui qua được. Khi có đất rồi, người ta muốn làm thế nào không ai can thiệp được. Thậm chí khi Luật đất đai chuẩn bị đem ra bàn luận thì có những mảnh đất rộng mênh mông, lâu nay bỏ hoang thì người ta dựng lên một hàng rào, hàm ý để nói rằng tôi chuẩn bị làm. Cái đó, nếu chúng ta không có chế tài để kiểm soát tốt, có khi 3 năm nữa người ta vẫn không làm và đó là yếu tố tác động xã hội. Cho nên, tôi nghĩ luật phải làm rõ về hệ số sử dụng đất, các giải pháp thu hồi phải rõ hơn. Đặc biệt, trong thủ tục về đất đai, ngoài báo cáo tác động môi trường thì có báo cáo tác động xã hội”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Bên hành lang, chia sẻ với phóng viên VOV2, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cũng rất coi trọng việc chỉnh sửa Luật đất đai theo hướng quy định rõ về việc thu hồi đất để tránh tình trạng tài nguyên đất bị bỏ hoang vì các dự án treo. “Đất đai là loại tư liệu sản xuất đặc biệt. Chúng ta cần quy định rõ thời hạn bao nhiêu năm không triển khai thì thu hồi. Giữa các nhiệm kỳ, khi chuyển giao cần quy định rõ người đứng đầu địa phương phải bàn giao quỹ đất trên địa bàn quản lý. Trên cơ sở đó hàng năm quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất”, đại biểu Nguyễn Tạo kiến nghị.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Tạo, tài nguyên đất liên quan đến nhiều luật khác. Để xử lý tình trạng dự án treo, để hoang hóa đất, Quốc hội cần xem xét, chỉnh sửa một số luật liên quan. Hiện tại, chính sách pháp pháp luật về đất đai vẫn còn vênh giữa Luật đất đai với các luật như Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Bất động sản, Luật nhà ở...Chúng ta cần nghiên cứu những bật cập để có sự đồng bộ giữa các luật, trong đó lấy Luật đất đai làm gốc”, đại biểu Nguyễn Tạo kiến nghị.

“Khi dự án không triển khai mà không có lý do chính đáng, theo Luật đầu tư thì ta thu hồi giấy phép đầu tư và thu hồi quyền sử dụng đất luôn, tức là làm thế nào để Luật đất đai và Luật đầu tư khớp với nhau. Sau khi thu hồi đất, nếu còn khiếu kiện gì thì ra tòa, xử lý theo pháp luật dân sự. Khi đó chúng ta đã có thể đưa quỹ đất đã được thu hồi vào sử dụng hiệu quả hơn, tức là có nhà đầu tư khác có năng lực hơn, họ đến triển khai, như thế đất không bị găm, không bị bỏ hoang”, đại biểu Nguyễn Tạo nêu ví dụ.