Có lẽ chưa khi nào việc một ai đó được giới trẻ hâm mộ lại dễ dàng như hiện nay. Thay vì có tài năng, có tri thức, có cống hiến cho xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng thì nhiều người gây “bão” trên mạng xã hội với những hành vi vô văn hóa, phản cảm, dung tục, có những biểu hiện lệch chuẩn trong tư duy, lối sống, thậm chí là vi phạm pháp luật lại được giới trẻ hâm mộ, tung hô.

Điểm qua một số tên tuổi như tài khoản mạng xã hội H.L. (SN 1990, hơn 1,7 triệu lượt theo dõi trên YouTube) bắt đầu từ những video hướng dẫn trang điểm hay giới thiệu mỹ phẩm mới, bỗng chốc H.L trở thành “idol giới trẻ”, nhiều bình luận gọi cô là “chiến thần”, vì sẵn sàng chê sản phẩm chất lượng chưa tốt. Và cuộc chiến của “chiến thần” cùng nhiều tài khoản khác bắt đầu, khi H.L. liên tục đăng tải video “bóc phốt” các quán ăn, kéo theo đó là bình luận từ hàng ngàn tài khoản người trẻ để “hóng” sự việc và “ủng hộ chiến thần”.

Hay như sự việc lừa đảo gần đây với từ khóa “thao túng tâm lý” xôn xao cộng đồng mạng từ tài khoản T.D. sinh năm 1995, ở Bắc Giang vẫn được gọi với cái tên “Anna Bắc Giang”. Thậm chí, màn livestream khoe sự việc cô vừa trở về từ cơ quan công an và thừa nhận hành vi lừa đảo của mình cũng thu hút hơn 16.000 lượt xem cùng lúc. Trái khoáy, nhiều bạn trẻ để lại bình luận tung hê cô như một thần tượng: “Ngưỡng mộ và mãi ủng hộ chị”, “Em thần tượng chị, giọng chị nghe dễ thương quá”.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội, những hiện tượng này chính là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta về của một bộ phận giới trẻ hiện nay, khi mà nhiều người được giới trẻ coi hâm mộ lại tỏ ra xem thường pháp luật còn người hâm mộ không phân biệt đúng sai vẫn tung hô những hành động sai trái. Và điều đáng lo ngại nhất chính là một thế hệ trẻ sau này sẽ đua nhau trở thành thần tượng bằng những video vô giá trị, trò đùa vô duyên, thậm chí là vô cảm, nguy hiểm…

Theo Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam năm 2021, Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên). Điều đó cho thấy mạng xã hội giờ đây có vị trí không hề nhỏ trong cuộc sống của giới trẻ. Trong khi đó, xu hướng thần tượng đến mê muội, cảm tính đang trở thành mối lo ngại về những hành vi lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Thực tế là những trào lưu kém duyên, phản cảm ngày càng tăng cấp độ thành những trò nguy hiểm bất chấp như: một idol ngồi trên băng chuyền hành lý ở sân bay hay một idol nhảy múa tại bãi đáp máy bay… Mặc dù cả hai điều bị xử phạt theo quy định pháp luật, nhưng những video như vậy vẫn ngày ngày tràn lan trên mạng xã hội. Dường như các chế tài xử phạt chúng ta vẫn còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe.

Và có lẽ điều cần nhất lúc này đó là chúng ta nên có một môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội như thế nào để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa, hạn chế và kiểm soát những video tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc… Hơn nữa, cần nâng cao nhận thức của giới trẻ để không cổ súy, không theo dõi và không chia sẻ những livestream, những clip có nội dung xấu từ những tài khoản triệu người theo dõi.

Một điều quan trọng không kém đó là lan tỏa nhiều hơn nữa trên mạng xã hội những việc làm thiện, làm tốt của một bộ phận người trẻ như kênh Quang Linh Vlog – Cuộc sống ở Châu Phi, hay như ca sĩ Mỹ Tâm với lối ứng xử chuẩn mực để từ đó định hướng cho giới trẻ một lối sống lành mạnh, nhân văn và có đạo đức, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

Có thể nói, hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, giới trẻ chịu tác động không nhỏ từ những thông tin trên mạng xã hội và rất dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, thiếu định hướng. Thần tượng một ai đó không hề xấu, nhưng quan trọng là giới trẻ cần có nhận thức và hiểu biết để phân biệt được đúng sai, tốt xấu từ chính những người mà mình hâm mộ.

Mời nghe âm thanh tại đây: