Theo các tài liệu lịch sử, Hàn Thuyên có tên thật là Nguyễn Thuyên, làm tới chức Thượng Thư Bộ Hình dưới thời Trần Nhân Tông. Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định rõ quê gốc của ông. Nhiều người ở Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cho rằng ông là người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ thì ngay đến quê hương của Hàn Thuyên cho đến nay cũng chưa được xác định một cách rõ ràng. Ngay cả bây giờ quê ông Hàn Thuyên cũng chưa đủ chứng cứ, chỉ biết rằng đó là một nhân vật thời Trần, ông có vai trò đối với sự phát triển thời Trần cũng như của lịch sử dân tộc nói chung.

Một trong những đóng góp lớn nhất của Hàn Thuyên với quê hương, đất nước chính là việc phát triển chữ Nôm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vì ông là người đầu tiên biết làm thơ phú bằng quốc âm, nên có thể coi là ông tổ của văn Nôm.

Công lao to lớn nữa của Hàn Thuyên vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay là việc làm thơ đuổi được cá sấu. Theo Việt sử cương mục, tháng 8 năm Thiệu Bảo thứ 4 (1282), đời Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên đang là Hình bộ Thượng thư, theo vua đến sông Phú Lương thì gặp cá sấu nổi lên trước thuyền. Vua sai ông làm bài văn vứt xuống sông và cá sấu bỏ đi.

Theo các giai thoại còn lưu truyền ở Bắc Ninh, sau khi Hàn Thuyên làm bài văn tế đuổi được cá sấu trên sông Phù Lương, về triều, vua Trần có hỏi ý ông muốn được ban thưởng gì. Hàn Thuyên không xin ban thưởng cho bản thâm mà ông đã xin nhà vua ban cho dân làng Lai Hạ được đặc ân đánh bắt cá trên một khúc sông. Vua nghe xong khen ông là người nhân nghĩa nên đã ân chuẩn cho dân làng được độc quyền đánh bắt cá ở một khúc sông lớn trên dòng sông Đuống và không phải đóng bất cứ một khoản phí nào.

Hàn Thuyên là tác giả nhiều bài thơ, trong đó có tập thơ Phi sa giản tập viết bằng chữ Nôm. Thơ ông viết về thiên nhiên cây cỏ, thanh thản mà tao nhã chẳng hạn như bài "Xuân": "Hoa nở, lộc hưởng, xuân lại xuân/ Cỏ cây mơn mởn đón đông quân/ Bướm ong bay rộn, trời đang ấm/ Mừng mảnh trăng xuân sáng bội phần." Ông được xem như là người đầu tiên truyền bá chữ Nôm. Tuy nhiên, bài “Văn tế cá sấu” vẫn được nhắc đến nhiều nhất vì ngoài việc sử dụng chữ Nôm khá thành thạo còn có nội dung tràn đầy tinh thần tự tôn dân tộc.

PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ cho biết: Chúng ta biết là toàn thư có ghi và các sách sử sau này nói rằng Hàn Thuyên làm thơ bằng quốc ngữ chứ thực tế chúng ta không có văn bản. Chỉ biết rằng hiện nay ở Lai Hạ, Bắc Ninh người ta vẫn tôn thờ ông. Đánh giá về văn học chữ Nôm, chữ quốc ngữ thời phong kiến thì người ta coi Hàn Thuyên là một trong những nhân vật nổi bật. Chính ông là người mở đầu, khởi nguồn cho một phong trào văn học có tính chất dân tộc.

Với những công lao và đóng góp của Hàn Thuyên đối với quê hương, sau khi cụ mất đi, để tưởng nhớ công ơn của cụ, chính quyền địa phương và nhân dân trong thôn xóm đã lập nên đền thờ cụ.

Đền Hàn Thuyên còn được gọi là “Thiên Mỗ Tự”, được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Tiền tế 5 gian và Hậu cung 2 gian. Các di vật có giá trị ở đền gồm 23 tấm bia đá có niên đại hơn 600 năm. Tại di tích còn bảo lưu một số hiện vật quí, như: nghê đá, tượng Hàn Thuyên. Phía trước là bài vị bằng đá khắc 13 chữ Hán “Binh bộ Thượng thư ngự tứ tính tự Hàn tướng công tiên sinh”, hoành phi, câu đối, bài văn tế cá sấu khắc chữ Hán…

Dù những tư liệu về Hàn Thuyên cho đến nay không nhiều nhưng người đời luôn biết đến ông là một danh nhân có nhiều đóng góp to lớn cho văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là trong lĩnh vực chữ viết và thơ ca, ông được xem là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của chữ Nôm ở nước ta dưới thời phong kiến.