Hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và uy tín nền kinh tế. Không chỉ ở các vùng nông thôn, các chợ dân sinh mà hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn “chui” vào cả siêu thị, Trung tâm thương mại lớn, trường học, bệnh viện…Sự tràn lan và phức tạp của hàng giả, hàng nhái không chỉ làm méo mó thị trường, hủy hoại đạo đức kinh doanh, mà còn từng ngày gặm nhấm niềm tin của người dân vào pháp luật và sự công bằng.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra một mệnh lệnh: Lập tổ công tác đặc biệt và mở chiến dịch cao điểm toàn quốc truy quét buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, như một mệnh lệnh hành động vì lợi ích Quốc gia.

Theo Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, đây không đơn thuần là một chiến dịch kiểm tra hành chính mà là được xem như “lời tuyên chiến toàn diện” với hàng giả, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính và uy tín Quốc gia.

So với nhiều chiến dịch được phát động trước đó, chiến dịch truy quét hàng giả, hàng nhái lần này, có quy mô và mức độ quyết liệt lớn hơn nhiều. Không chỉ kiểm soát các thị trường truyền thống, lực lượng chức năng đã tập trung quyết liệt vào các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok và mạng xã hội.

Ngoài ra một điểm khác biệt nữa cũng được nhắc đến đó là lực lượng quản lý thị trường đã áp dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống xử phạt vi phạm hành chính để giám sát, truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Công tác truyền thông và huy động trách nhiệm cộng đồng cũng được đề cao hơn. Chính phủ, dù mạnh đến đâu, cũng cần sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và người dân trong cuộc chiến này. Các tổ chức xã hội, đặc biệt là hội bảo vệ người tiêu dùng, các hiệp hội ngành hàng, báo chí và mạng lưới truyền thông cần đóng vai trò chủ động hơn.

Với rất nhiều sự khác biệt và quyết tâm ấy, có thể khẳng định chiến dịch cao điểm truy quét hàng giả hàng nhái lần này đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Đây là bước tiến quan trọng trong việc lập lại trật tự thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính. Nhưng kết quả ấy vẫn chưa thực sự vững chắc, nhiều người dân lo ngại sau đợt ra quân truy quét thì “đâu lại vào đấy”. Đáng lo ngại hơn là trong một số ít vụ việc có dấu hiệu tiếp tay của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước. Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, nguyên nhân của việc tiếp tay này xuất phát từ lợi ích cá nhân, từ lợi nhuận khổng lồ của buôn lậu, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái đã “che mắt” một số cán bộ bị biến chất.

Để giải quyết triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái và ngăn chặn tình trạng tái diễn sau mỗi lần ra quân truy quét, theo Luật sư Bình cần một giải pháp toàn diện, dài hạn thay vì chỉ tập trung vào các đợt kiểm tra cao điểm. Nhà nước cần tăng mức xử phạt hành chính và hình sự đối với các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt cần quy trách nhiệm pháp lý rõ ràng cho các sàn thương mại điện tử, buộc họ phải kiểm duyệt chủ động và chịu xử phạt nặng nếu để lọt hàng giả.

Tăng cường áp dụng công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo để giúp các cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc, phát hiện hàng giả hiệu quả. Bên cạnh đó nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đăng ký sở hữu trí tuệ nhanh chóng, đồng thời khuyến khích họ vào bao bì chống hàng giả như tem QR hoặc nhãn điện tử.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết tuyên chiến với hàng giả, đấu tranh thường xuyên với tinh thần “mỗi ngày đều là cao điểm”, đặc biệt là quét sạch thuốc giả, thực phẩm giả; đồng thời mong muốn mỗi người dân vừa là một chiến sĩ trong đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vừa là một người tiêu dùng thông minh trên thị trường…