Bắt đầu từ hôm nay 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% theo quy định tại Nghị định số 38 của Chính phủ. Đây có thể nói là tin vui đối với công nhân người lao động, giúp họ bù đắp phần nào chi phí sinh hoạt và cải thiện cuộc sống.

Chị Trần Thị Thủy, quê ở Hà Tĩnh làm công nhân của Xí nghiệp Sơ Mi, Công ty May 10 cho biết, hơn 2 năm qua, lương tối thiểu vùng không điều chỉnh, trong khi giá cả tiêu dùng, sinh hoạt lại leo thang khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc tăng lương lúc này rất ý nghĩa đối với những công nhân như chị. “Tăng lương mừng thì có mừng, nhưng lo lại nhiều hơn vì giá cả thực phẩm và nhiều mặt hàng khác đang tăng với tốc độ phi mã nên việc tăng lương cũng chỉ như “muối bỏ biển”. Nén tiếng thời dài, chị Thủy trải lòng.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, với phần lớn công nhân, sau đại dịch covid- 19 đời sống vô cùng khó khăn, túng thiếu. Đặc biệt gần đây, giá cả của nhiều mặt hàng lên cao, điển hình như giá xăng, đã khiến cho cuộc sống vốn đã túng thiếu ngày càng phải chắt bóp hơn.

“Đối với người lao động, đa phần đều không có tiền tích luỹ, nhà ở phải đi thuê, cùng với đó là ốm đau bệnh tật, đóng học cho con rồi trăm thứ phải chi tiêu nên tiền lương không đủ trang trải cuộc sống, thậm chí họ còn phải đi vay nợ để xoay xở…”, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Vũ Minh Tiến cho biết.

Theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động Việt Nam năm 2022 cho thấy người lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống. Cụ thể là, 12% người lao động phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% người lao động thỉnh thoảng (3 -4 tháng/1 lần) phải đi vay tiền; 34,8% người lao động phải đi vay tiền 1 năm từ 1- 2 lần.

Trong bối cảnh như vậy, ông Vũ Minh Tiến cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% theo quy định tại Nghị định 38 thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ. Việc tăng lương không chỉ giúp người lao động tham gia vào quá trình sản xuất một cách bền vững, mà còn làm tăng niềm tin, tạo cơ hội cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Ông Tiến cho biết, căn cứ để xác định tăng 6% lương tối thiểu vùng trong khoảng thời gian 18 tháng tới là dựa trên cơ sở hai yếu tố rất quan trọng. Đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên đến thời điểm này, với tốc độ tăng giá như hiện tại, thì những căn cứ đưa ra có lẽ đã khá lạc hậu.

“Dự báo trong năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng, tức là trượt giá khoảng 4%, tuy nhiên con số này cá nhân tôi cho rằng đã bị lạc hậu vì ngay 6 tháng đầu năm, con số này đã ở mức gần 4% mà còn 6 tháng cuối năm nữa. Đó là còn chưa kể theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, dự đoán trong năm 2023, mức tăng CPI cũng tiếp tục ở mức 4%”. Với những phân tích này, ông Tiến khẳng định: Nếu nhìn một cách trực diện chưa cần các yếu tố khác thì mức tăng 6% đã không đáp ứng được và sẽ thiếu hụt ít nhất từ 5 đến 10%.

Trước những khó khăn đặt ra, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tăng lương tối thiểu vùng, trước đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành công văn triển khai Nghị định 38. Trong đó, lưu ý các doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, song ông Vũ Minh Tiến cho rằng, việc doanh nghiệp thực hiện tăng lương tối thiểu chính là một trong các giải pháp giữ chân người lao động khi nhu cầu tuyển dụng tăng lên nhưng nguồn cung có phần hạn chế.

“Việc quan tâm, đầu tư cho người lao động chính là vì sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiêp”, ông Tiến khẳng định.

Ông Vũ Minh Tiến cũng kiến nghị: Bên cạnh việc tăng lương, Chính phủ cần có các giải pháp để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, cũng như có các chính sách hỗ trợ cho người lao động phục hồi sau gần 3 năm đại dịch.

"Người lao động cần phải có tiếng nói để thể hiện sự đóng góp của mình với doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn, đại diện quyền lợi cho người lao động cần thương lượng để đạt các mức lương cao nhất có thể. Đặc biệt Hội đồng lương Quốc gia cần xác định mức lương tối thiểu sát hơn với thực tế để khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu ngày càng gần hơn", ông Vũ Minh Tiến đề xuất.