Điểm tựa của trẻ mồ côi

Chùa Thiên Hương nằm ẩn mình trong một con ngõ thuộc thôn Dương Xá, xã Dương Quang, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây, hàng ngày ngoài tiếng kinh niệm phật còn luôn rộn vang tiếng cười, tiếng khóc của trẻ nhỏ. “Từ cơ duyên nhận nuôi một em bé 2 ngày tuổi bị bỏ rơi ở cổng chùa cách đây hơn 10 năm, đến nay, nhà chùa đang cưu mang 46 em nhỏ, từ vài tháng đến hơn 10 tuổi”, đại đức Thích Nguyên Bình, trụ trì chùa Thiên Hương cho biết.

Đại đức Thích Nguyên Bình chia sẻ, mỗi em nhỏ là một số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung - bị bỏ rơi, thiếu thốn tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Bé Nguyễn Thiện Tâm là một trong số đó. Từ một em bé bị bỏ rơi, non nớt, yếu đuối, tưởng chừng không thể vượt qua được sự nghiệt ngã của số phận, đến nay Thiện Tâm đã trở thành một cô trò nhỏ của Trường Tiểu học xã Dương Quang, luôn ngoan ngoãn và tràn đầy nhựa sống. “Hơn 10 năm trước, Thiện Tâm bị bỏ rơi ở cổng chùa, đến giờ vẫn chưa ai biết về cha mẹ của em. Chính tay sư thầy đón về cưu mang, nuôi dưỡng. Hồi đó, thầy còn phải lên mạng tìm hiểu về việc tắm rửa, cách cho ăn uống với trẻ sơ sinh, rất vất vả”, anh Bùi Văn Tuyên - người hỗ trợ đại đức Thích Nguyên Bình chăm sóc bé Thiện Tâm từ những ngày đầu, nhớ lại.

Được sống trong vòng tay yêu thương nơi cửa phật, cùng với sự chỉ dạy của vị sư trụ trì, Thiện Tâm còn có thành tích học tập tốt. Nhìn vào nét thanh tú trên khuôn mặt với nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ, khi tiếp xúc, ai cũng tin Thiện Tâm sẽ có một tương lai tươi sáng.

Tương tự, cậu bé Chế Trung Giang mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tấm bé. Nếu không có chốn cửa phật, em không biết nương tựa vào đâu. “Mồ côi từ nhỏ nên con nương tựa cửa chùa ở tỉnh Thái Bình. Năm ngoái, dưới đấy khó khăn nên con được sư thầy đón con về đây nuôi dưỡng”, Giang kể.

Tại chùa Thiên Hương, em không chỉ được chăm lo về miếng ăn, giấc ngủ mà còn luôn được sư thầy động viên về tinh thần, truyền dạy về đạo làm người. Hiểu được cảnh ngộ nên dù còn nhỏ tuổi Chế Trung Giang đã biết phụ giúp thầy chăm lo cho các em nhỏ. “Sáng nào con cũng dậy sớm, quét sân, phụ giúp các cô, các bác trong việc cho các em nhỏ ăn uống, chuẩn bị cặp sách để các em đi học”, Giang cho biết.

Cứ như vậy, hơn 10 năm nay, chùa Thiên Hương là nơi tu hành, thuyết giảng đạo phật nhưng đồng thời là “mái ấm” - nơi đem lại cuộc sống và tương lai cho 46 em nhỏ có số phận bất hạnh, mà bé Nguyễn Thiện Tâm, Chế Trung Giang chỉ là 2 trong số đó.

Nơi nương náu của những cảnh đời bất hạnh

Vẫn ở ngôi chùa này và nhờ vị sư trụ trì giàu lòng nhân ái - đại đức Thích Nguyên Bình, có những phận đời đã được cứu giúp kịp thời. Có thể kể đến là chị Vũ Thị Q, quê ở tỉnh Ninh Bình với cảnh ngộ đặc biệt éo le: bố mất sớm, mẹ bị bệnh tâm thần, bản thân lại mang trọng bệnh, chân tay teo tóp, mất khả năng lao động. “ Em vừa bị bị viêm cột sống, dính khớp. Em không ngồi được. Ngoài ra, em còn bị tan máu bẩm sinh nên hay bị chóng mặt. Chỉ cần em đi lại nhiều là bị hoa mắt”, chị Q chia sẻ.

Sự nghiệt ngã của số phận vẫn chưa dừng ở đó. Khi ở cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, chị lại bị một người đàn ông lừa dối và để lại hậu quả. Cảm giác bị gia đình, xã hội chối bỏ, chị đã có hành động quyên sinh. “Lúc đấy do sức khỏe kém, bố của đứa bé trong bụng em lại bỏ mặc mẹ con em. Một mình em vừa chống chọi với bệnh tật, vừa mang nặng nỗi lo con sinh ra sẽ không được bình thường, rồi mình có nuôi được con khi đẻ ra hay không,… Nói chung, em nghĩ nhiều thứ tiêu cực, quẫn trí nên em đã làm điều dại dột là ra cầu tự tử”, chị Q nhớ lại.

Nhưng may mắn, trong lần dại dột ấy, chị vẫn giữ được tính mạng cho cả hai mẹ con. Sau đó, chị được đại đức Thích Nguyên Bình cứu giúp để vượt qua cơn khủng hoảng về tinh thần và “mẹ tròn con vuông”. Đến nay, cả hai mẹ con vẫn đang được sống trong sự yêu thương nơi cửa phật. “Ban đầu, em nghĩ thầy chỉ cho con em có chỗ nương tựa. Chắc vì thấy em mất khả năng lao động, không còn nơi nào để về nên thầy cho cả em ở lại nơi này. Không thể còn điều gì tốt hơn thế khi em cũng không phải lo miếng ăn, chỗ ở từng ngày mà còn được ở bên cạnh con trong sự yêu thương của mọi người. Thầy ơi! con cảm ơn thầy rất nhiều, nếu không có thầy thì con không còn sống đến ngày hôm nay. Tương lai của đứa con của con cũng không biết sẽ ra sao!”, vừa lau nước mắt vì cảm động, chị Q thổ lộ.

Cũng vì gặp điều bất hạnh, chị Nguyễn Thị A, từ lúc mang bầu cho đến khi sinh con, từng sống với những suy nghĩ tiêu cực. Chỉ khi biết đến Chùa Thiên Hương và tấm lòng của vị sư trụ trì, chị mới được giải tỏa về tinh thần cũng như nỗi lo “bỉm, sữa” cho con. “Từ khi được nhà chùa cho nương náu, em thấy cuộc sống của mẹ con em sang một trang mới, nhất là về tinh thần. Vì thế, từ lâu em coi đây là ngôi nhà thứ hai, là tổ ấm thực sự của hai mẹ con”, chị A chia sẻ.

Ngoài những “mẹ bầu” bất hạnh, sư trụ trì chùa Thiên Hương - đại đức Thích Nguyên Bình còn cưu mang một số cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Như trường hợp bà Đào Thị Thêm, quê ở Quốc Oai, Hà Nội, thay vì phải lo lắng mưu sinh mỗi ngày bằng việc bán tăm, giờ đây bà đã có thể yên tâm nương nhờ cửa phật với công việc phù hợp với sức khỏe và mang nhiều ý nghĩa. “Chân tôi yếu, không tự đi lại được nhưng để có miếng ăn, hàng ngày - dù mưa hay nắng tôi phải ngồi xe lăn để đi bán tăm. Từ ngày vào đây, đến bữa thì có cơm của nhà chùa nuôi ăn. Đôi tay tôi còn khỏe, tôi phụ giúp sư thầy chăm sóc các bé sơ sinh, vì lúc nào các bé này cũng phải có người bế, ẵm và để mắt tới việc vệ sinh của các bé”, bà Thêm cho biết.

Nỗi niềm vị sư trụ trì vẫn nặng trĩu vì những số phận kém may mắn

Có những thời điểm, chùa Thiên Hương cưu mang tới hơn 20 người mẹ đơn thân. Đại đức Thích Nguyên Bình chia sẻ khó có lời nào tả hết niềm vui khi giúp ai đó vượt qua được bất hạnh. Nhưng theo đó, bản thân đại đức cũng chịu nhiều tai tiếng. “Ở đây có những bạn khi sinh con ra thì bị gia đình hắt hủi, bạn bè xa lánh, xã hội xuồng bỏ. Vì trước đây, mẹ bầu đơn thân bị cho là hư hỏng, chửa hoang. Còn nhà chùa lại đón các bạn ấy về để cưu mang, giúp những đứa trẻ trong bụng mẹ được chào đời, nuôi dưỡng. Làm điều trái ngược với cái nhìn của xã hội như thế nên đôi khi tôi ra đường bị người dân tỏ thái độ khinh thường”, đại đức Thích Nguyên Bình tâm sự.

Thậm chí, việc cưu mang những em nhỏ mồ côi cũng từng khiến vị sư trụ trì mang tiếng xấu. “Một số người dân còn đuổi tôi ra khỏi chùa. Họ bảo chùa không được nuôi trẻ con. Có người còn nói những đứa trẻ ấy là con đẻ của tôi, tôi mang về đây để nuôi”, đại đức Thích Nguyên Bình kể.

Nhưng với lòng nhân ái và tình thương đặc biệt dành cho những số phận kém may mắn, đặc biệt là các em nhỏ mồ côi, đại đức Thích Nguyên Bình vẫn âm thầm và sẵn sàng làm tất cả những gì có thể suốt nhiều năm qua. Cho đến giờ, trong những điều khiến đại đức còn trăn trở cũng vẫn là chuyện nuôi dạy và tương lai của các em. “Nuôi dưỡng một đứa trẻ đã khó, vậy mà nơi đây cưu mang 46 em nhỏ, trong đó có những em bị khuyết tật. Không chỉ lo cái ăn, với các cháu lớn mình còn phải lo việc học hành, dạy dỗ để làm sao các em nên người, có tương lai tươi sáng, trở thành người có ích cho xã hội sau này. Hiện vẫn còn một số em chưa được khai sinh vì gặp rắc rối với các thủ tục hành chính. Điều này ảnh hưởng đến việc học hành cũng như tương lai của các em”, đại đức Thích Nguyên Bình chia sẻ.

Nghe bài viết dưới đây: