Nghịch lý những đứa trẻ “chẳng thiếu thứ gì”!

Buổi tọa đàm “Nghịch lý của những đứa trẻ chẳng thiếu gì” trong dịp ra mắt cuốn sách “Cái giá của đặc quyền” bất ngờ khi có rất đông khách tham dự. Và phần lớn trong số đó lại là phụ huynh. Họ đến đem theo những băn khoăn, trăn trở khi con cái bước vào tuổi dậy thì “dở ông dở thằng”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc An có con bước vào tuổi 16. Dù cố gắng xóa đi những so sánh kiểu ngày xưa mẹ thế này, hồi nhỏ mẹ thế kia... nhưng chị An phải thừa nhận cảm giác sốt ruột, lo lắng khi không thấy ở con động lực, sự quyết tâm cho các phần việc mà lẽ ra ở tuổi này cần sự tập trung và có những bứt phá. Và có một sự lo lắng ngầm cho tương lai những đứa trẻ thoạt nhìn “chẳng thiếu thứ gì” ở người mẹ này.

“Con mình học tốt ở trường nhưng có cảm giác thiếu động lực. Với điều kiện tốt như thế, chỉ cần cố gắng thôi sẽ tốt hơn nhiều”, chị Ngọc An chia sẻ.

Ở vị trí dịch gỉa cuốn sách “Cái giá của đặc quyền” đồng thời là giảng viên ở đại học RMIT, tiếp xúc thường xuyên với người trẻ, th.s Bùi Trà My cho biết điều thú vị khi tác giả sách viết về xã hội Mỹ nhưng những vấn đề được đề cập lại rất sát với các bạn trẻ, với câu chuyện làm cha mẹ của lứa tuổi teen ở Việt Nam.

Từ kinh nghiệm làm việc cùng sinh viên, chị Trà My cho rằng để tránh những xung đột, mâu thuẫn thế hệ từ những phép so sánh tưởng chừng hết sức thông thường và phổ biến, người trong cuộc cần bình tĩnh để cùng nhìn lại. Người lớn thường so sánh dựa trên sự đối lập giữa quá khứ với hiện tại, xưa với nay mà quên đi việc đặt các bạn trẻ trong mặt bằng chung của cuộc sống hôm nay, khi tất cả cơ sở vật chất cơ bản đã nâng lên.

“Cuốn sách góp phần cảnh tỉnh và cung cấp thông tin nền tảng về bối cảnh xã hội hiện nay để cha mẹ biết rằng con mình đang sống trong thế giới thế nào? Bản thân mình đang làm cha mẹ trong bối cảnh ra sao?. Đôi khi những điều mà mình đang cho rằng mình đang rất nỗ lực rất cố gắng để làm tốt cho con chưa chắc đã tốt thực sự cho đứa trẻ”, Th.s Trà My khẳng định.

Mâu thuẫn thế hệ, câu chuyện đã và sẽ luôn xảy ra. Nhưng không phải không có giải pháp. Đặt mình ở vị trí của người trẻ và trong điều kiện sống hôm nay, người lớn sẽ thấy rằng ở đâu, lúc nào cũng có những thách thức để trưởng thành.

Người trẻ cần tự trải nghiệm, tự vấp ngã để trưởng thành

Sai lầm lớn nhất của người lớn dẫn tới mâu thuẫn với con em mình theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, đồng sáng lập Đường dây nóng, chuyên gia giáo dục của tổ chức giáo dục FPT nằm ở việc lấy cái ngày xưa làm chuẩn.

Người lớn thường so sánh: "Khó khăn, thiếu thốn đủ bề, người trẻ của ngày xưa vẫn có thể khắc phục, vẫn mạnh mẽ vươn lên. Thời buổi “cái gì cũng có, cũng đầy đủ”, ấy vậy mà người trẻ hôm nay dường như không có sự quyết liệt, không nỗ lực hết mình, không giành được những thành công “vang dội”.

Tuy nhiên, như lời chị Hà Thành, giai đoạn nào, bối cảnh nào, người trẻ cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề đặt ra khác nhau đi kèm những thách thức, khó khăn khác nhau.

Theo những cách khác nhau, chắc chắn bạn trẻ của quá khứ hay hiện tại đều sẽ tìm ra cách thức để vượt qua, để đóng góp cho xã hội và quan trọng nhất hoàn thiện phiên bản của cá nhân mình”, chuyên gia tâm lí Hà Thành khẳng định.

Trong bối cảnh hôm nay, khi tất cả bạn bè xung quanh đều trong cuộc sống giống nhau, không còn thiếu thốn, khổ sở, các bạn trẻ lại cho rằng tất cả đều ở trạng thái bình thường, cơ bản và hoàn toàn không có gì đặc biệt. Cha mẹ hiện đang cố gắng đốt cháy giai đoạn mà quên đi rằng không ai có thể sống thay cuộc đời của ai. Mỗi người đều phải tự sống, tự trải nghiệm, thậm chí tự vấp ngã để trưởng thành.

Chúng ta cần phải có sự kiên nhẫn và biết chờ đợi, không thể đổ lỗi cho thế hệ trẻ. Lúa cũng phải đến ngày mới chín được. Còn nếu cố tình bao bọc, cố tình thể hiện sự nôn nóng thì mâu thuẫn cha mẹ với con cái hay gọi chung là mâu thuẫn thế hệ sẽ khó tránh.

Ở nhiều gia đình hiện nay theo chuyên gia tâm lý Hà Thành xảy ra tình trạng người trẻ phớt lờ trước những quan điểm, ý kiến hoặc định hướng của cha mẹ. Đây có thể xem như một phương thức chống trả của người trẻ khi họ chưa đủ khả năng, lý lẽ để tranh luận hoặc bác bỏ ý kiến mang tính áp đặt của người lớn. Nhiều trường hợp thay vì “đối diện”, các bạn trẻ chọn lối đi vòng bằng cách khẳng định bản thân ngoài xã hội để chứng minh mình đúng với gia đình, với bố mẹ và người thân.

Với những trường hợp người trẻ tìm đến chuyên gia tâm lí để tìm lời khuyên cho những vướng mắc không thể giải quyết trong gia đình, đặc biệt với phụ huynh, chị Hà Thành cho rằng không dễ cho những trường hợp này khi trước đó đã có cả quá trình hai bên căng thẳng, chất chứa đầy ẩn ức và định kiến. Điều quan trọng nằm ở việc các thành viên cần ngồi lại, bình tĩnh nhìn nhận vấn đề gặp phải, tìm cách tương tác và hiểu đúng ý nhau.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: