Dự án “Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán” là dự án 4 trong chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 theo quyết định số 565/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/04/2017. Để cụ thể hóa chương trình này, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai dự án “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” gọi tắt là mô hình chuyển gửi.
Sau gần 2 năm triển khai, mô hình chuyển gửi đã có những tác động tích cực tại cộng đồng, góp phần hồi sinh những cuộc đời lầm lỡ, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Thay đổi từ nhận thức đến hành vi là cả một quá trình không dễ dàng nhưng 204 khách hàng tham gia vào mô hình chuyển gửi thí điểm tại Hà Nội đã có những thay đổi rất tích cực.
Tham gia chương trình này họ được hỗ trợ về nhiều mặt từ y tế, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy, hỗ trợ tâm lý xã hội đến các vấn đề về pháp lý và được tham gia sinh hoạt nhóm tương đồng để chia sẻ những thông tin hữu ích cũng như bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, lan truyền những kinh nghiệm trong cuộc sống. Có nhiều người nghiện từng chán nản, bất cần, sau khi được tư vấn, được hỗ trợ điều trị đã cảm thấy cần phải thay đổi cuộc sống ngay từ bản thân mình. Có khi chỉ là những lời động viên thăm hỏi nhưng cũng tiếp thêm cho họ động lực để sống có ý nghĩa hơn.
Theo chị Nguyễn Minh Trang, quản lý chương trình giảm hại và điều trị cai nghiện và chị Phạm Thị Hạnh Vân, điều phối viên dự án của SCDI, thành công của dự án còn là sự thay đổi nhận thức của tất cả các thành viên tham gia dự án, từ khách hàng đến các tư vấn viên, điều phối viên. Đặc biệt là mối quan hệ giữa công an và chính quyền được thay đổi rất nhiều. Nếu như trước kia lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ quản lý hồ sơ và quản lý hành chính cho những người cai nghiện tập trung, thì nay họ là những người hỗ trợ chuyển gửi đến các cơ sở điều trị tự nguyện ngoài công lập.
Còn đối với những tình nguyện viên như anh Lê Trường Hà, cán bộ Lao động thương binh và xã hội phường Ngọc Thụy, điều phối viên dự án tại cơ sở, anh rất tâm đắc với mô hình này bởi lẽ nhờ tham gia dự án, anh được trang bị nhiều kiến thức mới lạ thông qua các buổi tập huấn và bài test. Cùng với đó là các kỹ năng như phỏng vấn tạo động lực, khai thác được nhiều thông tin hơn từ người nghiện để giúp họ cai nghiện tốt hơn, tiếp cận nhiều dịch vụ hơn”.
Tuy mới chỉ là thí điểm, song mô hình chuyển gửi đã mang lại những hiệu quả khả quan, góp phần tái sinh những cuộc đời, giúp người nghiện chất tự tin tái hòa nhập cộng đồng và sống tích cực hơn. Dù có không ít những khó khăn thách thức khi mà dự án thí điểm kết thúc, nhưng SCDI vẫn quyết tâm duy trì tính bền vững. Để làm được điều này, theo bà Đỗ Thị Ninh Xuân, cố vấn kỹ thuật dự án mô hình chuyển gửi của SCDI, chúng ta cần chú trọng hơn đến công tác điều trị tự nguyện, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiên chất, các bệnh lý tâm thần đối với người nghiện chất cũng như điều trị về tâm lý cho họ. Bên cạnh đó, đội ngũ những người làm công tác cai nghiện tại cộng đồng cần được đãi ngộ xứng đáng và được đào tạo bài bản hơn nữa.