Không khó để bắt gặp những khu tập thể cũ ở Hà Nội đã và đang xuống cấp trầm trọng. Những khu tập thể (hay cách gọi khác là nhà lắp ghép) đều đã có niên hạn sử dụng gần nửa thế kỷ, và từ khi đưa vào sử dụng đến nay, chưa từng một lần được bảo dưỡng, sửa chữa. Thế nên, trần nhà, vôi vữa bong từng mảng, mốc, rêu bám đầy tường, cầu thang không bóng điện…là hình ảnh quá quen thuộc với những người dân sinh sống tại đây

“Cầu thang thì ọp ẹp, mảng trần rơi hôm trước chính là ở chỗ cầu thang khu tập thể đấy” bà Nguyễn Thanh Mai khu tập thể Hoàng Mai than thở. Còn ông Trần Đức Hải ở khu tập thể dốc Thọ Lão thì ngao ngán cho biết: “Nhà vệ sinh và nhà tắm chưa đầy 2m vuông, khỏi phải hỏi sự bất tiện này là như thế nào. Nhiều người dân cũng muốn đi chỗ khác, nhưng đây toàn người thu nhập thấp, biết đi đâu”

Điều đáng quan ngại là hầu hết các hộ ở khu tập thể cũ này đều được "cơi nới” bằng “chuồng cọp”, tức là phần diện tích làm thêm bằng khung sắt, rất nguy hiểm.

Bà Đỗ Thị Minh, trú tại phố Phó Đức Chính cho biết, đầu năm 2022, gia đình bà may mắn thoát nạn từ một đám cháy ở tầng 1, nhờ được trang bị kiến thức PCCC từ các lớp tập huấn của phường nên chủ động thoát hiểm. “Nhưng nếu đám cháy xảy ra tại tầng 2, nơi chúng tôi đã cơi nới thêm lồng sắt thì chưa biết hậu quả thế nào. Vì gia đình lắp hệ thống lồng sắt được 20 năm, khá kiên cố và chưa nghĩ đến việc mở lối thoát hiểm” bà Minh nhớ lại

Trước đây bà Đỗ Thị Minh nghĩ rằng, có khung sắt bao bọc xung quanh nhà như vậy sẽ an tâm hơn khi trộm cắp không thể xâm nhập vào nhà. Thế nhưng, khi được cán bộ phường tuyên truyền, bà Minh mới hiểu rằng, khi cháy nổ xảy ra, lực lượng chức năng gặp khó trong việc tiếp cận hiện trường, di chuyển vào trong để cứu người do gặp rào cản, cần thời gian để phá dỡ khung sắt thép…

Thời gian qua, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đã nhân rộng mô hình mở lối thoát nạn thứ 2 tại “chuồng cọp”; tuyên truyền cho các hộ dân tự trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn… được nhân dân trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao.

Sau khi được tuyên truyền, vận động về công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), nhiều hộ gia đình trên địa bàn phường Trúc Bạch đã chủ động tháo dỡ, mở lối thoát hiểm thứ 2. Đặc biệt, phường cũng đã huy động lực lượng liên ngành tham gia hỗ trợ các hộ dân về thiết bị và vật tư trong quá trình hàn, cắt và tạo cửa thoát hiểm. Chị Nguyễn Thị Tuyến, nhà số 78 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch cho hay: "Trong tháng 5 vừa qua, nhờ việc vận động, tuyên truyền của cán bộ phường và Cảnh sát PCCC trên địa bàn, gia đình tôi đã mở cửa thoát hiểm từ lồng sắt ở tầng 2; bên cạnh đó cũng trang bị thêm hệ thống thang dây chuyên dụng và mặt nạ phòng khí độc”.

Cùng với việc mở thêm cửa thoát hiểm, gia đình chị Tuyến cũng lắp đặt thêm thiết bị báo cháy, mua thêm bình cứu hỏa mini để các tầng và phòng bếp. Các thành viên trong gia đình cũng đã được tham gia lớp tập huấn kỹ năng PCCC - CNCH và được cấp chứng nhận như chia sẻ của ông Phạm Ngọc Đức, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường Trúc Bạch “Hàng năm, UBND phường đã phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an quận Ba Đình tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy; hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy, thoát nạn khi sự cố xảy ra để người dân nhận thức rõ nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.”

Ngoài việc hỗ trợ người dân tạo lối thoát hiểm, với những hộ gia đình khó khăn, phường đã tặng mỗi nhà một bình cứu hỏa, vận động người dân mua thang dây thoát hiểm và mặt nạ phòng khí độc để chủ động ứng phó nếu có đám cháy xảy ra. Đánh giá cao hiệu quả từ mô hình “cắt chuồng cọp” và “xã hội hoá” nguồn vốn mua sắm các trang thiết bị PCCC tại phường Trúc Bạch, Thiết tá Phạm Việt Dũng, Phó Đội trưởng Đội PCCC&CNCH Công an quận Ba Đình đề nghị “Địa phương cần nhanh chóng nhân rộng mô hình này trên toàn phường; đặc biệt quan tâm hơn nữa đến các hộ gia đình khó khăn, giúp các hộ gia đình khó khăn có đầy đủ trang thiết bị PCCC.”

Đối với các khu tập thể, chung cư cũ và tại nhà riêng một số hộ dân tự cơi nới “chuồng cọp” chưa thể cải tạo, xây mới, thì việc mở lối thoát hiểm từ các công trình cơi nới bất đắc dĩ này, dù chỉ là giải pháp tình thế song cần thiết. Về lâu dài và căn cơ hơn, việc xóa "chuồng cọp" không thể chỉ trông chờ vào ý thức, sự tự giác và "biết sợ" của người dân hay việc mở lối thoát hiểm, mà cần đẩy mạnh các dự án cải tạo chung cư cũ bằng cơ chế, chính sách phù hợp.