Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Đại hội Đảng lần thứ XIII là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang trông đợi vào những quyết sách lớn của Đảng để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn.. Để chuẩn bị cho Đại hội lần này, công tác xây dựng văn kiện đã được triển khai từ Hội nghị TW lần thứ 8 nhiệm kỳ XII của Đảng. Nội dung các văn kiện đã được soạn thảo, lấy ý kiến, bổ sung, chỉnh sửa một cách công phu, nghiêm túc, khoa học, có nhiều điểm mới so với văn kiện các kỳ Đại hội trước đây.

Ông Nguyễn Xuân Thắng phân tích, báo cáo Chính trị Đại hội Đảng lần thứ XIII không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết trong 5 năm qua của nhiệm kỳ khóa XII mà còn nhìn lại tiến trình 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (năm 1991) và 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). 35 năm qua, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Bên cạnh đó, báo cáo không chỉ xác định phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025 mà còn đưa ra định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 với những khát vọng phát huy ý chí sức mạnh của người Việt Nam để xây dựng đất nước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng cập nhật thực tiễn mới, đánh giá về đất nước ta trong năm 2020 – một năm cực kỳ khó khăn về nhiều mặt để thấy rõ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta, sự đồng bộ vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 2,9%.

Ông Nguyễn Đức Hà – chuyên gia về xây dựng Đảng cho biết, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng có tầm vóc rộng hơn, nhìn nhận, đánh giá các vấn đề của đất nước, của Đảng trong thời gian dài hơn và sâu hơn so với báo cáo các kỳ đại hội trước. Việc xây dựng một báo cáo như vậy là để rút ra những vấn đề mang tính quy luật, những bài học thực tiễn phong phú để làm cơ sở nền tảng thống nhất nhận thức và hành động, xác định phương hướng nhiệm vụ thời gian tới một cách dài hơi hơn và mang tầm chiến lược, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội của Đại hội lần thứ XIII không chỉ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua mà còn tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội (2011-2020) đồng thời đề ra Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tiếp theo (2021 – 2030). Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, lần đầu tiên văn kiện của Đại hội Đảng khẳng định: mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình tổng quát. Đây là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và lấy con người làm trung tâm, mọi người dân đều tham gia và hưởng lợi. Trong đó nhấn mạnh nền kinh tế năng suất, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao … phải dựa trên các sáng tạo, thành tựu khoa học công nghệ.

Đặc biệt, Đại hội Đảng lần thứ XIII không chỉ tổng kết việc thi hành điều lệ Đảng mà còn tổng kết công tác xây dựng Đảng. (Đại hội X có Báo cáo chuyên đề xây dựng Đảng, Đại hội VI, VII, VIII, IX, XI, XII không có) Những kết quả cụ thể, toàn diện của công tác xây dựng Đảng trong các nhiệm kỳ vừa qua, trong đó có nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết hơn, thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn.

Cũng theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Thắng, trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong các nội dung đánh giá, rút ra bài học, dự báo, định hướng các đột phá phát triển đều khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời nêu rõ nhân dân là trung tâm, là gốc trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Bên cạnh "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung nội dung "dân giám sát, dân thụ hưởng” – đây là điểm rất quan trọng, là động lực và cũng là khơi dậy truyền thống, niềm tự hào, ý chí sức mạnh của người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.