Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An - chuyên gia về trẻ em, hàng năm nước ta có khoảng 8.000 trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Các loại hình tai nạn, thương tích gồm 2 dạng: Loại tai nạn, thương tích không có chủ định, do vô ý mắc phải như: đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, ngã, điện giật, súc vật cắn, vật sắc nhọn cắt đâm, ngộ độc các loại, bom mìn và vật nổ... Các dạng tai nạn, thương tích này có thể phòng tránh được. Còn loại hình tai nạn, thương tích thứ 2 là loại tai nạn, thương tích có chủ định, gần đây ngày càng xảy ra nhiều hơn như: bạo lực, xâm hại, đánh nhau, tự thương, tự tử. Loại này khó phòng ngừa hơn.

Tai nạn, thương tích xảy ra ở trẻ em có thể trở thành nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời trẻ cũng như để lại nỗi xót xa, day dứt đeo đẳng với các bậc phụ huynh. Điều đáng nói, đa phần các trường hợp bị tai nạn, thương tích đều xuất phát từ sự chủ quan, sơ suất của chính gia đình. Mỗi loại hình tai nạn, thương tích khác nhau thường mắc theo lứa tuổi đặc trưng nhiều hơn, trong đó, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu cho mọi lứa tuổi.

"Mặc dù chúng ta đã biết, đã có sự phòng tránh nhưng tai nạn thương tích này vẫn cứ gia tăng, vì khi các em được nghỉ hè thì cha mẹ vẫn phải đi làm, nên thiếu sự giám sát trẻ. Đặc biệt là những tỉnh phía Bắc, thời tiết nắng nóng, trở nên oi bức, hơn nữa trẻ em lại rất thích nước. Do vậy, các em tìm đến ao hồ, sông suối để tắm mát, để vui chơi, nếu không có người lớn giám sát thì đuối nước rất dễ xảy ra", bác sĩ Nguyễn Trọng An phân tích.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, thiếu điểm vui chơi giải trí an toàn cho trẻ, cả ở nông thôn và thành thị, nhất là vào kỳ nghỉ hè, rồi vấn đề tạo môi trường an toàn cho trẻ trong gia đình và cộng đồng luôn là bài toán khó và cũng từ đây dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng trẻ em.

"Nếu trẻ phải ngồi trong nhà thì sẽ lại chơi game, tiếp xúc với mạng xã hội hoặc các trang web đầy rẫy bạo lực, tình dục, chất gây nghiện… do thiếu sự kiểm soát của gia đình mà các em lại không có kỹ năng để nhận biết. Bên cạnh đó, ngoài cộng đồng thì thiếu mạng lưới cán bộ công tác xã hội/cộng tác viên bảo vệ trẻ em để làm nhiệm vụ truyền thông giáo dục hộ gia đình, phát hiện sớm, ngăn chặn sớm các nguy cơ trẻ bị các loại tai nạn, thương tích khác khi tiếp cận với mạng xã hội: nguy cơ bị bắt nạt, bị bạo lực, bị xúc phạm trên mạng khiến trẻ bị rối loạn, ám ảnh tâm lý, gây ra những tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần nặng nề, dai dẳng khó đề phòng được".

Để trẻ em có một mùa hè an toàn, bổ ích, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, trong từng gia đình, các bậc phụ huynh cho dù rất bận công việc đi nữa thì hãy vẫn luôn quan tâm đến trẻ hàng ngày và hãy lắng nghe trẻ nói để kịp thời nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư của trẻ, nhằm uốn nắn trẻ đi đúng hướng một cách an toàn, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi dậy thì. Ngoài ra, việc hướng dẫn trẻ một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho trẻ.

Để học sinh có một mùa hè thật sự bổ ích và an toàn, cần có sự chung tay phối hợp giữa nhà trường với chính quyền, đoàn thể ở địa phương để tạo những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em. Bên cạnh đó, sự tham gia, đồng hành của các bậc phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng vì việc bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ là việc mỗi gia đình, mỗi người phải thực hiện thông qua những việc làm hàng ngày.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và bác sĩ Nguyễn Trọng An tại đây: