Tân Thạnh là huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, với 32 nghìn ha đất lúa cho sản lượng hàng năm đạt 440 nghìn tấn. Những năm gần đây, nhiều diện tích lúa cho năng suất thấp đã được bà con nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái và nuôi cá, tôm để tăng giá trị.

Gia đình anh nông dân Trần Văn Chính ở ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập là một ví dụ. Năm 2016, sau đi thăm quan học hỏi một số nơi, anh Chính quyết định đầu tư vào trồng thanh long. Mấy năm được giá, tiền lời từ bán thanh long giúp anh mua thêm đất, đầu tư vào trồng mít và bắt đầu trồng xen canh sầu riêng. Covid -19 ập đến, thanh long không xuất bán được, 3 vụ liên tiếp, gia đình anh mất hơn tỷ đồng tiền đầu tư. Trong lúc khó khăn, anh Chính được Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn giảm lãi, gia hạn nợ và tiếp tục cho vay để khôi phục sản xuất.

Từ bỏ thanh long, anh Chính chuyển hướng sang trồng sầu riêng. Với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật theo dự án của Viện cây ăn quả miền Nam, hiện nay, anh Chính có trong tay 3 ha sầu riêng, sau gần 6 năm trồng, cây bắt đầu cho trái. Trừ 2 gốc sầu Ri6 anh dành làm quà biếu tặng thì 40 gốc sầu Monthong ra trái mùa đầu tiên cũng giúp anh có thu nhập hơn 130 triệu đồng. Trồng sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn nên anh Chính cho biết, nếu không có nguồn vốn vay tại ngân hàng, anh khó có thể có trong tay 3ha sầu riêng như hiện nay. Với mật độ 130 cây/ha, vốn đầu tư một gốc trung bình khoảng 7 triệu đồng, phải 6-7 năm cây mới bắt đầu cho ra trái, hiện tại, dư nợ của anh Chính tại Agribank là 2 tỷ đồng.

Ông Lê Thành Đông, chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh cho biết, với định hướng phát triển của huyện theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Long An, mũi nhọn trọng tâm vẫn là sản xuất nông nghiệp trong đó phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang cây ăn quả, chủ lực là mít, sầu riêng, nho, cam, na. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện cây ăn quả miền Nam, hiện nay khó khăn nhất với bà con vẫn là nguồn vốn đầu tư để mua trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao. Nguồn vốn này, hiện nay được Agribank chi nhánh Tân Thạnh đáp ứng khá tốt.

Không chỉ ở Tân Thạnh, với mạng lưới 14 chi nhánh cùng hệ thống các phòng giao dịch và một điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, Agribank Chi nhánh tỉnh Long An luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để đầu tư nguồn lực cho bà con nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Long An cho biết, với đặc thù cho vay khách hàng hộ gia đình, tính đến nay dư nợ phục vụ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Agribank chi nhánh tỉnh Long An là khoảng 25 ngàn tỷ đồng, chiếm 92% tổng cho vay, với hơn 40 ngàn khách hàng chủ yếu trong hoạt động chăn nuôi và dịch vụ sau nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trí Dũng, PGĐ Agribank chi nhánh Long An cho biết về hoạt động cung ứng vốn cho khách hàng:

Lũy kế đến 20/6/2022, số dư nợ tại Agribank Long An bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 901 tỷ đồng. Agribank chi nhánh tỉnh Long An đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 257 khách hàng với dư nợ 159 tỷ đồng; cho vay mới hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với doanh số 113 tỷ đồng. Chi nhánh đã thực hiện hạ lãi suất đối với dư nợ hiện hữu tại thời điểm 15/7/2022 với số tiền lãi thực giảm là 112 tỷ đồng.

Long An là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19 làn sóng thứ 4 của năm 2021 cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Sau khi khống chế được dịch Covid 19, Long An đã sớm có nhiều chính sách hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, đến tháng 6/2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 5,11%, đứng thứ 5 trong tổng số 8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thu ngân sách tăng hơn 12% so với cùng kỳ, hoạt động tín dụng ổn định, vốn huy động tăng 8,22% so với đầu năm.

Hai năm sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, nguồn vốn đầu tư của Agribank đang góp phần quan trọng hỗ trợ người nông dân khôi phục sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.