Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định xe mô tô, xe gắn máy phải kiểm định khí thải để kiểm soát ô nhiễm.
Dù chưa áp dụng ngay quy định này nhưng các chuyên gia đều cho rằng ngay từ bây giờ, người dân cần chuyển đổi, nâng cấp những phương tiện đã cũ. Việc làm này chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân người điều khiển phương tiện mà còn đáp ứng quy chuẩn về khí thải, góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng là quan điểm của PGS. TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường. Ông cho biết cả nước hiện có khoảng 70 triệu mô tô, xe gắn máy. Riêng Hà Nội chiếm 10% với khoảng 7 triệu xe. Trong số này có gần 3 triệu mô tô, xe gắn máy cũ sản xuất trước năm 2000. Tại các đô thị lớn, phát thải từ xe cơ giới là tác nhân nhân chính gây ô nhiễm không khí. “Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hơn 95% lượng khí thải mà ảnh hưởng đến môi trường là từ phương tiện giao thông”, PGS. TS Vũ Thanh Ca cho biết.
Nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực môi trường, ông Ca rất vui khi Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với quy định về việc kiểm định khí thải của mô tô, xe gắn máy. Theo ông, để từng bước tiến tới giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, việc kiểm định khí thải của mô tô, xe gắn máy là hết sức bức thiết, đặc biệt là trong khu vực đô thị.
Không chỉ các chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Hòa, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng như nhiều người dân, cho rằng việc kiểm định khí thải từ mô tô, xe gắn máy là cần thiết. Giải pháp này sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm không khí tại khu vực đô thị. “Dân lao động như chúng tôi chạy xe suốt ngày đêm. Nếu bảo chúng tôi tự nguyện đi kiểm định khí thải thì chắc là không ai đi”, ông Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng Chính phủ cần cho người dân thêm thời gian để từng bước nâng cấp, thay thế, chuyển đổi những phương tiện đã cũ, không đảm bảo quy chuẩn về khí thải. Như cá nhân ông, chiếc xe ông đang sử dụng có tuổi đời gần 20 năm. Xe đã xuống cấp, ông cũng muốn “nâng đời” từ lâu nhưng do kinh tế eo hẹp nên chưa thể mua xe mới.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Tùng, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng đang sử dụng chiếc xe có tuổi đời gần 20 năm. Làm nghề giao nhận hàng nên chiếc xe còn là phương tiện kiếm sống. Khi Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với quy định mô tô, xe gắn máy phải kiểm định khí thải, ông Tùng đã nghĩ đến việc mua một chiếc xe mới để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho công việc, đồng thời góp phần hạn chế khí thải ra môi trường. Tuy nhiên, vì lý do tài chính eo hẹp và xe vẫn còn sử dụng được nên ông vẫn phải tạm gác lại ý định mua xe mới. “Nếu bây giờ mua xe mới để thay xe cũ thì tôi phải đi vay, hiện cuộc sống của tôi còn khó khăn”, ông Tùng chia sẻ.
Thực tế cho thấy, người tham gia giao thông ở nước ta, nhất là người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng phương tiện không đảm bảo, gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường. Quy định về việc kiểm định khí thải với mô tô, xe gắn máy vì thế là rất cần thiết. Việc tạm hoãn áp dụng quy định kiểm định khí thải theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng rất hợp lý để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại cũng như mưu sinh của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, trong khi các đơn vị chức năng chuẩn bị hạ tầng cho công tác kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy thì người dân cũng cần nhanh chóng nâng cấp, chuyển đổi phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải khi tham gia giao thông.
Nghe bài viết dưới đây: