Nhằm phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở nước ta, từ năm 2010, Chính phủ đã xây dựng hẳn một đề án phát triển nghề này. Nhiều trường cao đẳng, đại học và cơ sở dạy nghề trong cả nước đã tham gia đào tạo chuyên ngành công tác xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc “học” và “hành” nghề công tác xã hội hiện vẫn còn một khoảng cách.
Nguyễn Văn Toàn hiện đang theo học năm thứ 3 ngành công tác xã hội của một trường đại học ở thủ đô Hà Nội. Em cho biết lý do lựa chọn nghề này là vì em có niềm đam mê đặc biệt với các hoạt động trợ giúp người yếu thế, bất hạnh. Hơn nữa, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, em còn thấy nghề công tác xã hội đang được Chính phủ quan tâm, thúc đẩy phát triển, đồng thời đây cũng là nghề có nhu cầu rất cao, nhiều cơ hội việc làm. Chính vì thế, ngay từ năm thứ 2 đại học, em đã tham gia các hoạt động thiện nguyện, thực hiện việc giúp người khuyết tật.
Được làm việc đúng với sở thích nên Toàn tích lũy cho mình thêm nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Việc học tập ở trường vì thế thuận lợi và có kết quả tốt. Nhưng từ những gì đã làm và trải nghiệm em nhận thấy những bài học trên giảng đường và công việc thực tiễn chưa thực sự “ăn khớp” với nhau. “Khi bắt đầu đi làm, em gặp nhiều khó khăn vì giữa lý thuyết và thực tiễn còn khoảng cách, không áp dụng được kiến thức mình học. Phải làm lâu dần em mới quen việc. Em thấy ở trường vẫn còn nặng về giảng dạy lý thuyết. Em nghĩ, trong quá trình học, nhà trường nên cho sinh viên thực hành luôn. Trong lớp học, có thể đưa ra các tình huống cụ thể để sinh viên trao đổi và đề xuất các cách xử trí”, sinh viên Nguyễn Văn Toàn bày tỏ mong muốn.
Chị Nguyễn Phương Thảo hiện đang làm việc tại một trung tâm điều dưỡng. Công việc chính là chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và đời sống tinh thần cho những người lớn tuổi, gồm các thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong và người có công với cách mạng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, theo chị Thảo, nếu chỉ có kiến thức về dinh dưỡng thôi là chưa đủ. Nhân viên thực hiện công việc tiếp đón, chăm sóc như chị còn phải nắm được các quy tắc xã giao, đồng thời am hiểu về đời sống, tâm lý và sức khỏe của từng đối tượng đến trung tâm an dưỡng. Công việc đòi hỏi người làm phải hội tụ nhiều yếu tố. Tuy nhiên, thực tế tại trung tâm điều dưỡng này, rất ít nhân viên được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn, trong đó có chị. “Trước kia công việc chính của em là cô nuôi trẻ. Chuyển vào trung tâm điều dưỡng thì công việc khác hoàn toàn. Em phải coi các ông, các bà đến đây như người thân của mình, xưng hô làm sao khéo léo. Khi phục vụ, thái độ cũng phải thật chuẩn mực”, chị Thảo chia sẻ.
Cũng tại trung tâm điều dưỡng này, hàng ngày, anh Phạm Văn Tuấn thực hiện công việc tương tự như chị Nguyễn Phương Thảo. Đó là tiếp đón, chăm sóc về bữa ăn, giấc ngủ và đời sống tinh thần cho những người lớn tuổi đến an dưỡng. Tuy nhiên, những gì anh được học trên ghế nhà trường, rồi kinh nghiệm từ công việc trước đó không liên quan nhiều đến việc làm hiện tại. Để thu hẹp khoảng cách giữa việc “học” và “hành”, anh phải tự tìm hiểu về đời sống, tâm lý và sức khỏe của đối tượng mà anh chăm sóc hàng ngày. Và để làm tốt phần việc được giao, anh cũng luôn tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm. “Trước đây, tôi công tác ở môi trường cai nghiện ma túy, khác rất nhiều so nơi với môi trường điều dưỡng người có công. Ban đầu, mình chưa thể làm tốt được vì cung cách phục vụ hai đối tượng có sự khác biệt. Sau một thời gian, được các anh, các chị ở trung tâm hướng dẫn, chỉ bảo cộng với thực tế mình tự trau dồi, đúc rút kinh nghiệm thì mới phục vụ các cụ tốt được”, anh Tuấn cho biết.
Thực tế cho thấy nhiều người làm nghề công tác xã hội hiện chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản hoặc nếu có thì giữa việc “học” và “hành” vẫn có một khoảng cách đáng kể. Trường hợp anh Phạm Văn Tuấn, chị Nguyễn Phương Thảo hay sinh viên Nguyễn Văn Toàn chỉ là những minh chứng cụ thể trong số những người đang làm nghề công tác xã hội hiện nay.