Nhà báo Trần Đức Nuôi, bút danh Vĩnh Trà, nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, sinh năm 1946, quê ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được nhận về Ban Biên tập, Đài phát thanh Giải phóng A. Năm 1972, nhà báo Trần Đức Nuôi khoác ba lô cùng đồng nghiệp rời Hà Nội vào chiến trường Trị Thiên khốc liệt, trở thành phóng viên chiến trường.

Ngày ấy, để đưa tin tới đồng bào cả nước, vô vàn khó khăn vất vả, thậm chí còn phải đối bằng cả máu. Ông bảo, làm phóng viên chiến trường không phải chỉ là phản ánh những trận đánh mà phải hiểu, phải nghe, phải thấm được những khao khát của những người lính, mới lột tả được hết những cái gian khổ. Hơn hết, phóng viên chiến trường cũng là một chiến sỹ, phải biết tự vệ, lợi dụng địa hình, phải biết tấn công thậm chí khi thua phải biết rút lui thế nào, cũng phải biết chịu đựng, hi sinh, quả cảm, không run sợ.

Khó khăn, vất vả đó, nhưng nhà báo chiến trường ấy có một vinh dự mà không phải ai cũng có được đó là một trong những người được giao nhiệm vụ trực tiếp viết bản tin chiến thắng để thông báo đến đồng bào, chiến sĩ cả nước trong ngày 30/4/1975.

Những năm tháng gian khó của thời mưa bom lửa đạn đặc biệt có ý nghĩa với ông, giúp ông luyện ý chí cũng như ngòi bút của một chiến sỹ nhà báo ngày càng phát huy hơn cho đến tận sau này.

Năm 1976, sau khi Đài phát thanh Giải phóng A hoàn thành nhiệm vụ, ông về công tác tại Ban Đối Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này, khi là Trưởng ban Thư ký biên tập, ông bắt đầu công việc ghi chép sử Đài Tiếng nói Việt Nam. Hễ gặp những bậc cao niên, lão thành xây nền đắp móng cho nhà Đài là ông đều tranh thủ hỏi chuyện và ghi chép lại một cách tỷ mỉ.

“Cảm hứng để tôi viết thứ nhất là quê hương của tôi, thứ hai là những năm tháng ở chiến trường, và thứ ba chính là Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài cho tôi một trải nghiệm, một kho tàng đồ sộ, và một nguồn năng lượng”, nhà báo Trần Đức Nuôi chia sẻ.

Trong những năm qua, ông đã dùng ngòi bút của mình để kể lại những câu chuyện về Đài, về những con người của Đài một cách rất đằm thắm và chứa chan tình cảm. Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập (1995), với tư cách là Trưởng Ban Thư ký biên tập, ông làm chủ biên cuốn hồi ký của nhiều tác giả: “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam” được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời tựa. Những năm sau đó, ông chủ biên một số ấn phẩm khác như “Tiếng nói Việt Nam - cầu nối Đảng với dân”, “Trong lòng tôi, tiếng nói Việt Nam”… Trong tâm thức của ông, Đài Tiếng nói Việt Nam là một kho tàng vô giá, là nhân chứng lịch sử đồng hành cùng đất nước non sông.

Không chỉ viết sử nhà Đài, ông còn được bạn đọc biết đến là một nhà văn với nhiều tập bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết như: Mưa chiều đất cuối, Con đường nắng lửa, Khoảnh khắc nắng, Dòng sông trên cao, Hoa Khát, Dầu máu, Cháy, Một ngày và một giờ, Đạo trời trong gang tấc.

Nói về nghiệp làm báo, viết văn của mình, ông luôn tâm niệm: Khi tin chưa hết ý thì viết phóng sự, phóng sự không chứa hết nội dung thì chuyển sang bút ký. Khi tâm đắc một điều gì đó sâu sắc hơn thì nhờ truyện ngắn nói hộ và khi đủ vốn sống, trải nghiệm, bút lực thì viết tiểu thuyết. Đặc biệt là phải viết điều gì có ích cho bạn đọc

Với ai đó, nghỉ hưu chính là thời gian nghỉ ngơi, nhưng với nhà báo Trần Đức Nuôi, nghề báo là nghề không hưu. Đi, đọc, nghe, chiêm nghiệm và viết là công việc thường xuyên để nhà báo Trần Đức Nuôi sống vui, sống khỏe và có ích hơn.

Mời nghe âm thanh tại đây: