Theo ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia Xây dựng Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), đến nay qua Hội nghị 13 (tổ chức vào tháng 10/2020) và Hội nghị 14 (tháng 12/2020), Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã lần lượt bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa mới, gồm cả uỷ viên chính thức và dự khuyết; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Ban chấp hành Trung ương khóa mới được cơ cấu 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và trên 60 tuổi trở lên.

Ông Nguyễn Đức Hà phân tích, cơ cấu 3 độ tuổi cách nhau khoảng 10 năm nhằm phát huy được thế mạnh của thế hệ trẻ đồng thời kế thừa được những kinh nghiệm, sự từng trải của thế hệ đi trước và đảm bảo sự kế tiếp, không bị đứt quãng trong công tác nhân sự. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; người tái cử Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII không quá 65 tuổi.

"Trường hợp đặc biệt" tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa mới là những người trên 60 tuổi; còn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư là người trên 65 tuổi. "Những trường hợp đặc biệt được các cấp có thẩm quyền cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trước khi trình Ban chấp hành Trung ương khóa XII xem xét tại hội nghị lần thứ 15 và quyết định việc giới thiệu với Đại hội XIII", ông Hà nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hà phân tích, công tác nhân sự Đại hội XIII đã được chuẩn bị rất chặt chẽ, công phu và có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Số lượng cán bộ được quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa mới ít, chặt chẽ hơn so với khóa XII. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương đã bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 222 người, giảm gần 300 so với số quy hoạch khoá XII.

Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nhiệm kỳ 2021-2026 cũng được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ và trước hết là tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội XIII, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa XIII, vừa quy hoạch nhân sự cho "các nhiệm kỳ tiếp theo" như nhiệm kỳ trước.

Ông Nguyễn Đức Hà cũng cho biết, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chính vì vậy, nhiều nhiệm kỳ trước đây, công tác nhân sự thực hiện theo quy trình 3 bước thì lần này là 5 bước. "Quy trình 3 bước là hai lần trình Ban thường vụ, một lần trình Ban chấp hành; còn trong quy trình 5 bước, hai lần trình Ban thường vụ, hai lần trình Ban chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt, nghĩa là các nhân sự quy hoạch vào Trung ương được rà soát, lấy phiếu kỹ lưỡng và dân chủ hơn" - ông Nguyễn Đức Hà giải thích.