15 năm gắn bó với công việc là nhân viên điều dưỡng tại một viện dưỡng lão ở Hà Nội, chị Phạm Thị Kim Quy không nhớ số lần bị các cụ ném đồ, hất cháo, hất nước vào người. Những vui buồn, nóng giận, buồn bực, thậm chí cả những hành động vô thức của người già, những nhân viên công tác xã hội như chị Quy đều đã trải qua.
"Phải hiểu tích cách của từng cụ, trước khi làm việc gì, nhân viên phải xem tính tình của các cụ hôm nay như thế nào để mình điều chỉnh cho phù hợp", chị Quy nói.
Theo chị Phạm Thị Kim Quy, người già được gửi tới trung tâm dưỡng lão đa phần đều mắc những chứng bệnh của tuổi già. Nhẹ thì đi lại khó khăn, suy giảm trí nhớ, lú lẫn, trường hợp nặng thì dường như chỉ còn sống thực vật, ăn uống, vệ sinh tại chỗ. Vậy nên sự kiên trì, nhẫn nại, vất vả là điều mà bất cứ một điều dưỡng viên nào cũng phải xác định khi gắn bó với nghề.
"Ngoài chuyên môn nghiệp vụ phải nắm vững thì nhân viên chăm sóc người già cũng phải là những người thực sự hiểu tâm lý, nắm vững tinh thần, tình cảm của các cụ. Dĩ nhiên mỗi một nhân viên có kinh nghiệm, sự sáng tạo riêng để nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ các cụ để họ cảm thấy thanh than, vui vẻ khi được sống ở trung tâm", chị Phạm Thị Kim Quy chia sẻ.
Với nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh, đã lựa chọn nghề công tác xã hội, chăm sóc người cao tuổi thì tuyệt nhiên không được phép suy nghĩ theo lối “khác máu tanh lòng”. Chỉ cần các cụ bị xây xát chân tay, nhân viên cũng thấy xót xa. Để làm tốt vai trò của một nhân viên chăm sóc người già, chị Hạnh chia sẻ, kiến thức, trình độ thôi chưa đủ mà đó là tổng hòa của rất nhiều kỹ năng.
"Ví dụ khi các cụ buồn, bỏ ăn, ít nói thì nhân viên chăm sóc phải tìm hiểu xem các cụ đang vướng mắc điều gì? Các cụ không ăn là vì lý do gì? Nhớ con, nhớ cháu hay muốn gọi điện về gia đình. Hiểu được những thay đổi của các cụ từ đó cố gắng đáp ứng để nhận được sự hợp tác", chị Hạnh nói.
Cũng giống như chăm sóc người cao tuổi, một nhân viên chăm sóc trẻ khuyết tật ngoài trình độ, chuyên môn thì sự kiên trì, nhẫn nại, tình yêu thương là những yếu tố không thể thiếu.
Cô Bùi Thu Nga, nhân viên chăm sóc, dạy trẻ tự kỷ Trung tâm Sao Mai từng nhiều lần bị các em nhỏ cắn tay, nhổ nước bọt. Bất lực là cảm giác mà cô Nga từng nhiều lần trải qua.
"Cũng không thể trách các em được vì các em không biết hành vi đó là đúng hay sai. Hôm sau đi làm lại thấy các bạn ấy ôm, vỗ tay, nhảy múa những mệt mỏi lại mất đi. Mình tự nhủ sẽ cố gắng giúp các bạn ấy vượt qua nghịch cảnh", cô Nga kể.
Hơn 10 năm theo nghề, nữ nhân viên Bùi Thu Nga thừa nhận chăm sóc trẻ khuyết tật nặng khó gấp nhiều lần so với học sinh bình thường. Các em không thể bày tỏ cảm xúc, mong muốn bằng lời, nhất là nhóm trẻ trong giai đoạn dậy thì. Vậy nên ngoài việc phải hiểu tính cách, sở thích, yêu/ghét của từng học sinh để từ đó giáo viên, người chăm sóc trẻ chọn phương pháp giáo dục phù hợp.
Cô Nga nói: "Dạy trẻ tự kỷ cần có sự kiên trì, kiên nhẫn. Chúng tôi luôn mong muốn bù đắp cho các em những thiếu hụt về kỹ năng chơi, ngôn ngữ, nhận thức. Có một số trẻ khi đi học hòa nhập bị bạn bè bắt nạt, bị đối xử bất công bằng. Bố mẹ các em rất đau xót. Do vậy, chúng tôi cũng phải dạy kỹ năng để các em có thể tự bảo vệ được mình".
Theo thống kê hiện cả nước có khoảng hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực Công tác xã hội.
TS. Nguyễn Thị Trâm Anh, chuyên gia công tác xã hội cho rằng, nhân viên công tác xã hội không phân biệt lứa tuổi nhưng điều quan trọng phải thực sự yêu nghề và hiểu nghề.
"Không ít bạn trẻ hào hứng khi học ngành công tác xã hội nhưng hồi sau cái sự hào hứng đó là một sự hụt hẫng, lo lắng, băn khoăn vì nói thật đây là nghề vất vả, rất khó và lương thấp. Vậy nên điều tôi cho rằng các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm thì đây không phải là thách thức, vì các bạn chỉ cần học qua trường lớp, được trải nghiệm hoạt động thực tế sẽ tích lũy được kinh nghiệm mà điều quan trọng ở đây dù lứa tuổi nào thì người làm Công tác xã hội phải có lòng trắc ẩn, có lòng say mê với nghề, yêu thương con người", TS. Nguyễn Thị Trâm Anh nói.
Một trong những chuyên gia đầu ngành xây dựng chương trình đào tạo ngành công tác xã hội bậc đại học, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng, Công tác xã hội là một nghề đặc thù và rất cần người làm nghề có sự tâm huyết, yêu thương con người.
"Ngành Công tác xã hội giúp đỡ người khác trong xã hội nên đòi hỏi lòng yêu thương con người. Người học ngành này luôn luôn duy trì niềm tin rằng công việc của mình mang lại hạnh phúc cho người khác, đấy là động lực để các em phấn đấu hiến dâng cho nghề", ông Nguyễn Hồi Loan chia sẻ.
Bấm nghe phóng sự: