Mối nguy từ rác thải điện tử

Bà Đỗ Thị Thúy Hương (Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam) dẫn theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” của Liên hợp quốc công bố, trong năm 2019, trên toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (13,1 triệu tấn) và châu Âu (12 triệu tấn).

Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn.

Theo TS. Nguyễn Đức Quảng (Đại học Bách khoa Hà Nội), riêng năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử, với mức bình quân 2,7 kg/người. Cùng với đó, thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chỉ ra, hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.

Các thiết bị điện tử đều chứa những nguyên tố độc hại cao như chì, thủy ngân, các chất chống cháy. Một loại chất thải điện tử có thể chứa tới 60 nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn, khiến cho việc tái chế trở nên vô cùng nan giải.

"Hiện trạng tái chế và xử lý chất thải điện tử ở Việt Nam còn đang ở mức độ thấp, mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa bằng các công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu gây những tác động không nhỏ đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng'' - bà Lê Thị Ngọc Dung cho biết. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa thể tái chế được các kim loại quý, vốn có hàm lượng cao trong chất thải điện tử.

Việc phát thải rác thải điện tử đang thiếu kiểm soát, đặc biệt là từ sinh hoạt hằng ngày của các hộ gia đình. Các thiết bị như: pin, vỏ, xác điện thoại, thiết bị điện tử gia dụng… vẫn được để chung với rác thải sinh hoạt. Nhận thức của người dân về tác hại của rác thải điện tử chưa cao khiến việc phân loại rác tại nguồn không được thực hiện, góp phần không nhỏ dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Giải pháp mạnh mẽ của Nhật Bản

Tại Hội thảo "Hiện trạng chất thải điện tử và các giải pháp đầu tư dự án xử lý, tái chế" diễn ra sáng ngày 15/12 tại Hà Nội, ông Yutaka Yasuda, (Giám đốc Điều hành Cao cấp, Công ty CP Kim loại JX Nhật Bản) chia sẻ 3 giải pháp của Nhật Bản trong xử lý, tái chế rác thải điện tử:

Thứ nhất: Công tác phân loại và thu gom chất thải tại nguồn được tiến hành chặt chẽ. Chất thải điện tử, thiết bị cũ sẽ do các hãng sản xuất chịu trách nhiệm xử lý. Theo đó, khi mua sản phẩm mới, nếu có đồ cũ, người tiêu dùng sẽ nhận được tiền cho các khoản rác thải điện tử mà họ có.

"Chính quyền tại các thành phố lớn như Tokyo, Kobe, Osaka đều xây dựng nhà máy tái chế riêng, trên đường phố cũng được đặt thêm các thùng rác nhiều màu sắc để người dùng tự phân loại rác. Để bỏ một thiết bị điện tử gia dụng ở Nhật Bản, điều đầu tiên cần xem xét không phải là nó có thể bán được bao nhiêu tiền mà là phải tốn bao nhiêu chi phí tái chế để chi trả cho các tổ chức có liên quan" - ông Yutaka Yasuda nói.

Thứ hai: Luật về tái chế đồ gia dụng của Nhật Bản có hiệu lực với các sản phẩm bao gồm TV, tủ lạnh, máy giặt máy sấy và điều hòa không khí… yêu cầu chính nhà sản xuất thiết bị phải chịu trách nhiệm về việc tái chế các thiết bị cũ hỏng. Điều này có nghĩa là các công ty phải thành lập hoặc thuê các nhà máy tái chế xử lý. Trong khi đó, việc thu gom vận chuyển các thiết bị này tới nhà máy tái chế thuộc về trách nhiệm của các nhà phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí cho hai công việc kể trên.

Thứ ba: Người dân Nhật Bản sẽ phải trả tiền cho đơn vị bán lẻ hoặc bưu điện khi muốn loại bỏ một thiết bị điện tử gia dụng cũ hỏng. Sau đó, họ sẽ nhận được thông tin về thời gian và địa điểm để giao thiết bị cho đơn vị tái chế. Ngoài ra, trong quy trình sản xuất thiết bị gia dụng ở Nhật Bản, có một yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt đối với tỷ lệ tài nguyên có thể tái chế. Ví dụ, một chiếc TV phải được thiết kế để đảm bảo rằng hơn 50% vật liệu trong tổng trọng lượng của nó có thể tái chế trong tương lai. Tỷ lệ này ở tủ lạnh, máy giặt và điều hòa không khí thậm chí còn cao hơn, có thể đạt 60% đến 70%.

Theo ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn, về trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm thải bỏ (gọi tắt là EPR). Theo đó, quy định, các loại chất thải điện, điện tử như Máy tính bảng, máy tính xách tay, Máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại di động... thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, áp dụng từ ngày 01/01/2025.

Sáng 15/12, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Công ty Cổ phần kim loại JX (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo "Hiện trạng chất thải điện tử và các giải pháp đầu tư dự án xử lý, tái chế".

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đối với ngành điện tử, các chuyên gia thảo luận và đề xuất:

-Nhà nước cần ban hành khuyến khích đầu tư áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực điện tử thông qua chính sách ưu đãi thuế, phí, lãi suất và đất đai cho các dự án, doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.

-Cần xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất điện tử; có cơ chế khuyến khích việc nhập khẩu và ứng dụng các công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường vào trong quá trình sản xuất điện tử nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu và giảm phát thải ra môi trường.

-Xây dựng chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường; giáo dục, đào tạo kiến thức và kỹ năng tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng; thúc đẩy tiêu dùng trung gian đối với thị trường nguyên liệu thứ cấp; thúc đẩy các mô hình phân loại, thu gom tại nguồn...