Gần 20 năm làm việc tại một doanh nghiệp da giày, từ một công nhân, anh Nguyễn Văn Nuôi ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên làm tổ trưởng một dây chuyền sản xuất. Thế nhưng hơn 1 năm nay, đặc biệt là kể từ đợt dịch Covid-19 mới bùng phát ở thành phố Hồ Chí Minh trong dịp này, công việc của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng nghĩa, tiền lương hàng tháng sụt giảm. Chồng làm công nhân, vợ bán hàng rong nên những tháng chưa bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, thu nhập của 2 vợ chồng cũng chỉ đủ chi tiêu, nay vợ không có việc làm, lương anh Nuôi chỉ bằng 1/3 so với trước, với 4 miệng ăn khiến cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn.

Cũng giống như anh Nuôi, hơn 2 tháng qua, gia đình anh Trương Tâm hiện đang sống tại quận 8 thành phố Hồ Chí Minh cũng điêu đứng do dịch Covid-19 gây ra. Cả gia đình 4 người chủ yếu trông chờ vào lương công nhân của anh Tâm. Nay dịch bệnh bùng phát dữ dội, công ty thuộc diện giãn cách nên thu nhập của anh giảm khiến cuộc sống của gia đình lao đao.

Những công nhân lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 như anh Tâm, anh Nuôi hiện nay không phải là ít. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong quý II vừa qua, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Còn theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong số hơn 100.000 người bị nhiễm Covid-19 kể từ ngày 27/04 đến nay, có tới hơn 15% là công nhân lao động. Đặc biệt tại những tỉnh miền nam, khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và diễn biến phức tạp như hiện nay, công nhân lao động dương tính ngày càng nhiều, nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như giãn cách toàn tỉnh, toàn thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, giải thể, hàng trăm nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên…. Con số này tăng lên hàng ngày. Một số tỉnh áp dụng "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm", công nhân lao động khó khăn do đảo lộn sinh hoạt hàng ngày cũng như việc làm.

Trước tình hình đó, các cấp công đoàn cả nước đã chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch và chăm lo cho NLĐ. Không chậm chễ, Công đoàn Việt Nam đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong CNLĐ và tổ chức triển khai xuống CNLĐ. Lãnh đạo công đoàn các cấp đã trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình, kiểm tra công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh; tặng quà, động viên NLĐ và các cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch. Cùng với Nhà nước, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ công nhân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên chương trình với bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19 tại đây: