Vui vẻ, thoải mái với người ngoài nhưng lại hay cau có, khó chịu với người nhà là một hiện tượng khá phổ biến ở nhiều bạn trẻ. Lý giải điều này, chị Thanh Hương cho rằng, ở lứa tuổi này các bạn đang bắt đầu mở ra những mối quan hệ mới khiến cho các bạn cảm thấy hào hứng và thường đề cao những mối quan hệ mới này hơn.

Còn với các mối quan hệ trong gia đình, các bạn thường cho rằng đã quá quen thuộc, thậm chí nhiều bạn còn cảm thấy bị ràng buộc. Tuổi trẻ là lứa tuổi thích thể hiện bản thân mình, thích có nhiều điều mới mẻ. Tuy nhiên, những người thân trong gia đình lại hay đưa ra những lời khuyên hoặc là những rào cản khiến cho các bạn cảm thấy bị ràng buộc và ngột ngạt. Chính vì thế mà các bạn tỏ ra khó chịu, cộc cằn với người nhà, nhưng lại cảm thấy vui vẻ, thoải mái với người ngoài.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, việc ứng xử với những người trong gia đình “thô nhưng thật”. Tuy nhiên, chị Thanh Hương cho rằng, các bạn đang bị nhầm lẫn giữa “thô” và “thật”. Việc thể hiện cảm xúc một cách tuỳ tiện với người nhà sẽ vô tình làm tổn thương người thân của mình - những người gần gũi với bạn nhất, kề vai sát cánh nhất và sẵn sàng chìa đôi bàn tay ra để giúp đỡ, hỗ trợ bạn. “Vậy thì việc “thô” này có thực sự là tốt cho bản thân chúng ta hay không, các bạn cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo hơn, dành thời gian cho nó nhiều hơn.”

Hậu quả của việc thường xuyên giữ thái độ cộc cằn với người nhà có thể không nhìn thấy ngay được, nhưng về lâu về dài sẽ mang đến những hiệu quả nghiêm trọng. Đó là vô tình gây nên những tổn thương không đáng có và vô tình tạo ra rào cản từ cả hai phía. Đến một lúc nào đó bạn muốn gần gũi với người nhà cũng không gần gũi được, bạn muốn ngọt ngào, muốn có những cử chỉ ấm áp hơn cũng không thể làm được. “Mối quan hệ trong gia đình luôn cần sự chân thành, cần sự gần gũi, cần sự gắn bó và chữ “tổn thương” là điều không bao giờ nên có.”

Theo chị Thanh Hương, để khắc phục thói quen luôn cáu gắt với người nhà không phải là điều dễ dàng. Trước tiên, các bạn không được nhầm lẫn khái niệm, ranh giới giữa “thô” và “chân thành” khác nhau, ranh giới giữa “nịnh nọt” và “khéo léo” khác nhau, ranh giới giữa “thật” và “giả” sẽ khác nhau…Và rõ ràng, chọn “chân thành” sẽ tốt hơn là chọn “thô”, chọn “khéo léo” sẽ tốt hơn là “nịnh nọt”, chọn “thật” sẽ tốt hơn “giả dối”.

Bên cạnh đó, các bạn nên xác định rõ vị trí, mức độ quan trọng của các mối quan hệ xung quanh với bản thân mình. Đồng thời xác định trách nhiệm của các bạn đối với ông bà, bố mẹ, anh chị em trong gia đình để có những hành xử và cư xử phù hợp. Một điều quan trọng nữa, hãy xác định ranh giới để không làm tổn thương mọi người xung quanh. “Nếu không làm cho thế giới này tốt đẹp hơn thì đừng làm cho nó xấu đi. Nếu không làm cho các mối quan hệ trở nên thân thiết hơn, gắn bó hơn và mang lại lợi ích cho nhau nhiều hơn thì đừng làm cho nó trở nên tệ hơn”, chị Thanh Hương bày tỏ.

Gia đình là nơi để bày tỏ yêu thương, chứ không phải là bãi rác để xả cảm xúc. Bởi vậy, đừng để dành những cảm xúc tiêu cực, xấu xa nhất cho người thân của mình.

Nghe chia sẻ của chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương: