Hơn 2 năm nay - khi các con đã trưởng thành, thay vì nghỉ ngơi, bà Bùi Thị Đào, quê ở tỉnh Ninh Bình, lại tìm đến chùa Thiên Hương, ở xã Dương Quang, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Khác với nhiều người - tới đây chỉ để vãn cảnh chùa, thực hiện nhu cầu về tâm linh, bà Đào còn mang theo mong muốn làm việc thiện. Đó là tham gia chăm sóc 46 trẻ mồ côi đang được nhà chùa cưu mang.

Nuôi dưỡng một đứa trẻ vốn không dễ dàng gì, việc chăm sóc 46 em nhỏ nơi đây vì thế càng thêm vất vả. Bởi lẽ, mỗi đứa trẻ nơi đây đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, tính cách và thể trạng cũng khác nhau. Trong đó, có những em mới chỉ vài tháng tuổi, thể trạng yếu, thậm chí bị khuyết tật. Thế nhưng bằng tình thương, mỗi ngày, bà Đào đều tận tụy, dậy sớm, thức khuya cùng nhà chùa lo “miếng ăn, giấc ngủ” cho các em nhỏ. “Công việc của là cho ăn, uống và thường xuyên quan sát khi các bé vui chơi. Công việc nói chung cũng vất vả vì đông các cháu”, bà Đào cho biết.

Phần lớn các em đều không được bú sữa mẹ từ lúc chào đời nên sức đề kháng thường không tốt, dẫn đến việc đau ốm và quấy khóc nhiều. Bà Đào chia sẻ từ thực tế đó nên ngoài kỹ năng “làm mẹ”, phải có sự đồng cảm và tình thương rất lớn bà mới có thể làm tốt việc chăm sóc cho các em nhỏ. Đây cũng là yếu tố giúp chị Nguyễn Thị Anh luôn làm tốt vai trò của một “người mẹ” với các em nhỏ nơi đây trong thời gian hơn 2 năm qua. “Em vào đây hơn 2 năm nay rồi. Cứ 5 giờ sáng em dậy, nấu cháo cho các bé, chuẩn bị đồ ăn sáng, tiếp đó cho các bé ăn và chuẩn bị đồ cho các con đi học. Sau đó, em mới quay về quét sân, dọn dẹp và lại chuẩn bị cơm nước cho các con”, chị Anh cho biết.

Có lẽ vì tình thương dành cho các em nhỏ là rất lớn nên hơn 2 năm nay chị Anh chưa nghĩ đến đến chuyện dừng công việc tại đây. Thậm chí, chị còn coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình, đồng thời muốn làm tốt hơn nữa những gì có thể đề góp phần bù đắp thiệt thòi cho các em. “Sau thời gian tham gia chăm sóc các con, em thấy mình có tình cảm gì đó rất đặc biệt với nơi này nên không muốn về. Em coi đây như ngôi nhà của mình”, chị Anh tâm sự.

Không chỉ các bà, các mẹ, tham gia chăm sóc trẻ mồ côi tại chùa Thiên Hương còn có cả những “người cha” đích thực. Anh Bùi Văn Tuyên là một trong số đó. “Cứ sáng ra, em hỗ trợ cho các bạn ăn, sau đó lấy xe đưa các bạn đi học, chiều em lại đi đón về. Buổi tối, em chia các bạn ấy ra, cứ 5 bạn nhỏ ở chung 1 phòng với người lớn để tiện theo dõi, chăm sóc”, anh Tuyên cho biết.

Với tình thương đặc biệt dành cho những số phận kém may mắn nên anh Tuyên còn hiểu rõ thể trạng, tính cách và sở thích của từng em nhỏ. Anh chia sẻ đó là cách giúp anh có thể vừa làm cha vừa làm bạn với các em. Đồng thời, thông qua đó anh thực hiện việc chăm sóc những “đứa con” của mình dễ dàng và hiệu quả nhất. “Em thấy các bạn ấy tội lắm. Không có bố mẹ nên các bạn rất thiếu thốn tình cảm. Mình phải quan tâm, thường xuyên trò chuyện thì hiểu được các con, mà mình có hiểu thì mới chăm được. Chẳng hạn, bạn nào tính cách ra sao, bạn ấy ăn được gì, không ăn được gì mình phải biết. Vì thế, có những khi có một số bạn đang khóc nhưng em chỉ đến nói chuyện vài câu là bạn ấy vui trở lại. Nói chung, em thấy trong việc chăm sóc trẻ mồ côi, bất hạnh thì tình thương là rất quan trọng”, anh Tuyên chia sẻ.

Cứ như vậy, không biết từ lúc nào anh Tuyên cũng như chị Anh và bà Đào đã trở thành những người cha, người mẹ đích thực của những em nhỏ kém may mắn. Ở góc nhìn khác, dẫu không được đào tạo chính quy qua các trường, lớp nhưng họ đã làm rất tốt công việc của những nhân viên công tác xã hội.

Nghe bài viết dưới đây: