Với người bệnh nghèo từ các tỉnh xa về Hà Nội điều trị, chi phí cho một chuyến xe khi ra viện để về nhà luôn khiến họ phải suy nghĩ. Nhất là trong thời điểm này - khi Hà Nội và một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch covid-19, thì đó còn là vấn đề khiến họ không khỏi lo lắng. Bởi ngay cả khi có tiền cũng không dễ thuê được xe. Vậy mà thời gian qua, nhiều gia đình bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã không còn phải lo lắng về điều này.

Niềm vui của người nhận

Mới 19 tháng tuổi nhưng cháu Nguyễn Duy Anh - con chị Đinh Thị Năm và anh Nguyễn Văn Hà, ở xã Sông Khoai, huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã bị teo mật bẩm sinh và sơ gan cấp độ 4. Mỗi tháng, chị Năm phải vài lần đưa con chạy hàng trăm cây số từ nhà lên Viện Nhi Trung ương ở Hà Nội để điều trị. Chưa kể tiền thuốc thang, riêng tiền thuê xe, mỗi tháng chị đã tốn đến gần chục triệu đồng. “Gia đình em không có điều kiện về kinh tế nhưng vì cháu ốm yếu quá nên phải đi xe riêng mới đảm bảo sức khỏe. Gọi taxi, mỗi lần cả đi và về hết khoảng 3 triệu. Có những tháng vài lần đi - về như thế nên rất tốn kém”, chị Năm kể.

Anh Hà làm công nhân mỏ. Chị Năm là giáo viên mầm non. Khéo chi thì thu nhập của hai vợ chồng mới đủ trang trải mỗi ngày. Đã thế, từ khi sinh cháu Duy Anh, chị Năm còn bị cắt lương vì phải nghỉ làm chăm sóc con. Cuộc sống vốn đã chật vật lại càng thêm khó khăn khi vừa lo tiền thuốc thang vừa phải thuê xe đưa con lên Hà Nội chữa bệnh suốt hơn một năm qua. Trong lúc áp lực về chi phí ngày càng lớn thì chị Năm may mắn nhận được sự giúp đỡ trong việc di chuyển từ “những chuyến xe yêu thương” mỗi khi ra viện. Chị Năm chia sẻ khó có lời nào để nói hết niềm vui bởi ý nghĩa và sự thiết thực của sự trợ giúp ấy. Bởi lẽ khoản tiền gần 10 triệu đồng đáng lẽ phải chi cho việc thuê xe mỗi tháng chị đã có thể dùng để mua thuốc và sữa cho con. Hơn thế, mỗi lần đi xe, mẹ con chị còn được san sẻ yêu thương từ người lái xe. “Em rất biết ơn vợ chồng anh Nguyễn Bình Minh và chị Đào Thu Mai cũng như các thành viên của nhóm Những chuyến xe yêu thương. Em được các anh chị đưa về nhiều chuyến rồi. Các anh chị không quản giờ giấc, đường xá xa xôi, rồi dịch bệnh. Trên đường về gia đình em còn được hỏi thăm, động viên, thậm chí được chuẩn bị cả đồ ăn trên hành trình đi về. Em cảm nhận như đó là người thân của mình vậy. Chuyến xe quả thật đúng như tên gọi của nó, đong đầy yêu thương suốt quãng đường về”, chị Năm cảm động bày tỏ.

Tương tự, vợ chồng chị Phạm Thị Mai và anh Mai Văn Quang, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng cũng rưng rưng nước mắt vì cảm động khi kể về những chuyến xe miễn phí. Bởi nhờ có sự giúp đỡ ấy, vợ chồng anh có thêm chi phí chữa trị cho cháu Mai Linh. “Chồng em làm ruộng, không có thu nhập. Em làm công nhân nhưng cũng nghỉ lâu rồi nên không có lương. Tiền thuốc thang, chữa bệnh cho cháu vợ chồng em đã phải vay mượn. Đã thế, hàng tháng đưa con lên Hà Nội điều trị còn tốn 1,7 triệu tiền taxi/lượt. Nếu không có sự giúp đỡ từ những chuyến xe yêu thương vợ chồng em chưa biết phải vay mượn ai”, chị Mai chia sẻ.

Hạnh phúc của người cho

Không chỉ đem đến niềm vui cho gia đình người bệnh nghèo, những chuyến xe miễn phí còn mang lại hạnh phúc cho người nhận chở. Chị Diệu Linh là một trong số đó. Tham gia vào nhóm mới hơn một tháng nay nhưng chị đã chạy được cả chục chuyến. “Từ lâu em có tâm nguyện hỗ trợ gì đó cho những người nghèo, khó khăn, hoạn nạn. Giúp theo cách này phù hợp với khả năng và điều kiện của em nên mỗi chuyến đi đều cho em những cung bậc cảm xúc rất tuyệt vời”, chị Diệu Linh thổ lộ.

Chị Linh cho biết thông qua những câu chuyện trên xe, càng thương người bệnh bao nhiêu chị càng thấy mình may mắn bấy nhiêu khi bản thân cũng như các thành viên trong gia đình mình có được sự bình an. Chính vì thế, có những trường hợp chị Linh còn hỗ trợ thêm một khoản tiền nhỏ để người bệnh trang trải chi phí thuốc men. “2-3 triệu đồng với mình có thể chỉ là một bữa đi ăn ngon, một bộ quần áo đẹp nhưng với họ số tiền đó rất giá trị. Mình chỉ bớt một cái quần, cái áo là đã có thể san sẻ một phần khó khăn với họ. Hơn nữa, giá trị về vật chất chỉ là một phần, giá trị về tinh thần của sự giúp đỡ ấy đáng quý hơn nhiều”, chị Linh tâm niệm.

Theo chị Linh, khi cho đi với cả “cái tâm” thì bản thân người cho cũng nhận lại giá trị về tinh thần rất lớn. “Những gì nhận lại là vô hình. Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau, như em là rất nhiều, không đong đếm được. Có vài người hỏi em có phải vì thấy hạnh phúc mà làm không? vì thấy vui mà làm không? em không trả lời được nhưng em thấy nó còn lớn hơn thế rất nhiều”, chị Linh chia sẻ.

Với anh Hưng- người điều hành hoạt động của nhóm, “Những chuyến xe yêu thương” còn đem đến cho anh niềm tự hào đan xen hạnh phúc. “Em trực điện thoại 20/24 giờ mỗi ngày. Em tiếp nhận nhu cầu của người bệnh nghèo, xác thực rồi kết nối để các thành viên đón-đưa họ về nhà. Em đồng thời dõi theo những hành trình ấy để đảm bảo mọi người đều được an toàn”, anh Hưng cho biết.

Bận rộn là vậy, song anh Hưng cũng đã thực hiện một số chuyến đi. Trong đó, có những chuyến dài hàng trăm km. “Chuyến đi em nhớ mãi là lần em và hai thành viên nữa đưa bệnh nhân về Mường La, tỉnh Sơn La với chặng đường gần 300 km. Bệnh nhân ra viện chiều hôm trước, 3 anh em đón rồi thay nhau lái, đi xuyên đêm để kịp đến nơi rồi quay về Hà Nội vào sáng sớm hôm sau”, anh Hưng tự hào kể.

Để niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn

Hiện nay, Nhóm “Những chuyến xe yêu thương có khoảng 150 thành viên”. Anh Nguyễn Bình Minh - người khởi xướng ra nhóm này cho biết, kể từ khi thành lập vào 6/2020 đến nay, “Những chuyến xe yêu thương” đã thực hiện khoảng 350 chuyến đi. Riêng trong đợt thứ 4 dịch bùng phát là khoảng 250 chuyến. Bất cứ ai nếu có xe ô tô, thời gian, sức khỏe và kinh tế dư dả, sẵn sàng chịu toàn bộ chi phí của chuyến đi như xăng xe, phí cầu đường, ăn, nghỉ…đều có thể gia nhập nhóm. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “điều kiện cần”. “Điều kiện đủ” để trở thành thành viên của nhóm nhất định phải là người giàu lòng nhân ái. “Làm hoàn toàn vì cái tâm thì người lái xe mới vẫn yêu thương, niềm nở và chăm sóc và hỗ trợ người bệnh trên suốt hành trình, nhất là khi họ mệt mỏi, nôn ói trên xe”, anh Minh nhấn mạnh.

Khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, mỗi thành viên còn phải cam kết tuân thủ luật lệ giao thông, không được cậy mình đang chở bệnh nhân mà vi phạm luật. Đặc biệt, trong thời gian dịch covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi thành viên khi thực chuyến đi còn phải thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch. “Anh em được bệnh viện hỗ trợ test PCR, cấp giấy xuất viện của bệnh nhân kèm giấy đi đường gồm điểm xuất phát và điểm đến. Đó là yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, để đảm an toàn về dịch bệnh, anh em vẫn phải mặc đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chống giọt bắn…”, anh Minh chia sẻ.

Mong muốn nối dài "vòng tay nhân ái”

Anh Minh cho biết, số người bệnh nghèo cần hỗ trợ trong việc đi lại vẫn còn rất lớn, nhất là trong thời điểm này. Trong khi đó, qua điện thoại và trên fanpage của nhóm trên facebook, anh nhận tiếp tục được sự sẻ chia từ cộng đồng. Nhiều người bày tỏ mong muốn tham gia vào nhóm để chia sẻ khó khăn với người bệnh nghèo. Trên cơ sở đó, anh đang lên kế hoạch mở rộng phạm vi hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo đang chữa trị tại Bệnh viện K, Bệnh viện tim Hà Nội… “Điều tôi mong muốn nhất là có sự phối hợp của anh em ở các tỉnh lân cận Hà Nội. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách, điều này sẽ như cánh tay được nối dài. Ví dụ, anh em ở Hà Nội sẽ đưa người bệnh đến một điểm nào đó rồi anh em các tỉnh đến đấy đón về, sẽ thuận lợi hơn trong việc di chuyển”, anh Minh mong muốn.