Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022. Chương trình có tổng kinh phí tối thiểu (số làm tròn) là 196.332 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỷ đồng).

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022. Chương trình có tổng nguồn vốn tối thiểu (số làm tròn) là 75.000 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng). Chương trình gồm 7 dự án, kết cấu thành 2 dự án độc lập và 5 dự án với 11 tiểu dự án.

Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Chương trình được có kinh phí tối thiểu (số làm tròn) là 137.664 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư là 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 54.323 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 10.016 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách là 19.727 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác là 2.967 tỷ đồng). Chương trình gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.

Đa số các đại biểu đều đánh giá cao việc Quốc hội chọn nội dung việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để giám sát tối cao. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều đổi mới về cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách. Việc giám sát, đánh giá tiến trình là phù hợp, đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các Chương trình đang bị chậm tiến độ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

“Giám sát tối cao tôi cho rằng rất hiệu quả. Nhất là tiến hành đánh giá giữa nhiệm kỳ để nhìn nhận, phát hiện những vấn đề vướng mắc, tồn tại, những cái ưu, khuyết điểm của các Chương trình. Từ đó, cùng với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện để làm sao ba Chương trình mục tiêu quốc gia được vận hành một cách hiệu quả nhất, nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của người dân, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo cũng như xây dựng nông thôn mới”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nhận định.

Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các Chương trình. Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, ba chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, điểm nghẽn khiến cho việc triển khai chưa thực sự hiệu quả, kinh tế - xã hội ở một số địa phương phát triển chậm, không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, một trong những điểm nghẽn lớn nhất là việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không những vậy nội dung các văn bản còn chưa rõ ràng, khó thực hiện, có nội dung trích dẫn dẫn đến nhiều văn bản khác. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung ba Chương trình mục tiêu quốc gia nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Cùng với đó là năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc phối hợp của một số cơ quan, Bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Cách tiếp cận xây dựng các Chương trình chưa thực sự phù hợp, thiết kế phức tạp gồm nhiều chính sách, dự án, tiểu dự án...

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình khẳng định, đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong thời gian qua từ tỉnh đến cơ sở rất yếu và thiếu. Trình độ cũng như kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện dự án thì cũng rất là hạn chế. Đây là nguyên nhân căn cơ dẫn đến việc tổ chức triển khai còn chậm. Hiện nay, nhiều dự án và tiểu dự án, tỷ lệ giải ngân còn chưa đạt 10 %.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng cho rằng, những kết quả này là kênh quan trọng để giúp cho Quốc hội đánh giá, nhìn nhận lại toàn bộ và trên cơ sở đó sẽ ồng hành với Chính phủ để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, để giải quyết được căn cơ những vướng mắc, khó khăn, phát huy tối đa nguồn lực, tránh lãng phí.

Đáng chú ý, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 3 chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. Tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh nghèo. Cụ thể đến hết tháng 1/2023 vốn năm 2022 giải ngân chỉ đạt xấp xỉ 42% kế hoạch. Giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, thủ tục để giải ngân hiện nay đối với các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số mục tiêu đặt ra cũng chưa thực sự phù hợp, chưa sát với thực tế, có chương trình đặt ra mục tiêu quá cao so với thực tế cần giải ngân.

Không những vậy, phản ánh thực tiễn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại một số địa phương, các đại biểu thấy rằng, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, có những người dân chưa muốn thoát nghèo vì sợ sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức…

Các đại biểu kiến nghị Quốc hội cần phải có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, có các biện pháp cải tiến điều chỉnh kịp thời trong thực thi các cơ chế chính sách cũng như cần phải đảm bảo Chương trình mục tiêu Quốc gia mang tính bền vững cao./.