10 năm qua, với mong muốn những người phụ nữ yếu thế có được cuộc sống đẹp hơn, anh Nguyễn Duy Long ở Hai Bà Trưng, TP Hà Nội quyết định gắn bó với việc dạy cắt may miễn phí cho phụ nữ khuyết tật ngay tại nhà.
Hình ảnh người cha Nguyễn Duy Long ở Hai Bà Trưng, Hà Nội ân cần chăm sóc con gái bị bại não với cử chỉ dịu dàng khiến bất cứ ai cũng không thể cầm lòng.
“Em bé 14 tuổi rồi, không đi học được, không ăn được, không suy nghĩ được, nằm một chỗ. Không nghĩ con mình nặng thế. Con bị sốt co giật, vào viện nằm khoảng 2 ngày thì tổn thương não” – Anh Long nhớ lại khoảng thời gian khó khăn cách đây 13 năm.
Điều an ủi nhất với bé Điệp là dù không thể đi lại, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, nhưng bù lại bé có một người cha hiền hậu, yêu thương em vô điều kiện. Anh Long luôn dành tình thương cho bé Điệp nhiều hơn để bù đắp thiệt thòi cho con.
Anh Long tâm sự: “Đợt đó mình đóng hết cửa hàng. Hai bố con bế nhau đi châm cứu mất 3 năm, đi hết các bệnh viện cũng không cứu được. Mình thương con cực kỳ. Mấy năm không làm ăn được gì, cứ làm được bao nhiêu thì bế con chạy chữa hết chỗ này chỗ khác”.
Những vất vả tưởng chừng khiến anh buông xuôi, nhưng tình cha con thiêng liêng đã tạo nên sức mạnh giúp anh vượt qua nỗi đau, đồng hành cùng con gái suốt 14 năm qua.
“Tối nằm nghĩ tới con khóc. Mình mở ra lớp “Phố Xưa” có nghĩa là nhìn về quá khứ. Mình truyền đạt nghề may miễn phí cho các bạn khuyết tật. Mình chia sẻ giúp người ta có công việc làm ổn định, có công việc nuôi sống bản thân, đơn giản thế thôi” - anh Long chia sẻ.
Sau biến cố ấy, anh Long đã vực dậy cửa hàng may đo, cùng với đó anh dạy nghề cho rất nhiều phụ nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Dù bộn bề với công việc, dù chăm con bị bại não vất vả, nhưng trong ngôi nhà nhỏ luôn hiện hữu sự lạc quan và tràn ngập tình yêu thương. Với bé Điệp, bố là cả thế giới, là nơi an toàn nhất của em.
Chính tình yêu thương con vô bờ bến đã trở thành động lực để anh Long tiếp tục công việc và giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh hơn nữa. Chị Lê Thanh Huyền, một học viên của anh Long chia sẻ: “Thầy Long có cái nhìn cảm thông, hiểu được những khó khăn của người khuyết tật nên cố gắng giúp đỡ các bạn”.
Phần lớn học viên người khuyết tật tìm đến lớp học may của anh Nguyễn Duy Long đều như trang giấy trắng, mọi thứ phải bắt đầu từ đầu, từ những công đoạn đơn giản nhất.
Anh Long cho biết, tùy từng dạng khiếm khuyết, anh sẽ đưa ra những định hướng để đào tạo. "Bạn khiếm khuyết phần tay, bạn khiếm khuyết phần chân. Có bạn thấp thì hạ bàn xuống, có bạn bị tật chân thì thêm cái bàn ga, điều chỉnh máy móc giúp các bạn thuận tiện học hành”, anh Long kể.
9 học viên đang học tại nhà anh Long là 9 tư duy khác nhau. Anh phải kèm từng bạn một, mỗi bạn học một chương trình. Anh đóng vai trò là người đi học cùng, chứ không phải là một người thạo nghề, giỏi nghề để truyền đạt các kiến thức một cách dễ hiểu nhất tới các học viên.
Vượt lên những khiếm khuyết của bản thân, chị Vũ My Lan ở Nam Định luôn ước mơ được học một nghề để nuôi sống bản thân và kiếm tiền phụ gia đình. Chính đường kim mũi chỉ ở lớp học anh Long đã thay đổi cuộc đời của người phụ nữ khuyết tật này.
Chị Lan chia sẻ: “Em sinh ra bị khuyết tật 6 khớp ở chân, đi bằng mu bàn chân, chiều cao của em là 1m24. Thầy Long hỗ trợ em hết mức. Thầy chuẩn bị cho em ghế riêng, vừa với bàn thiết kế. Thầy tạo điều kiện cho ăn ở tại nhà thầy, như một gia đình”.
Giữa dòng đời hối hả, chỉ cần lắng lại một chút chúng ta có thể thấy được nhiều điều tốt đẹp. Những đường may tử tế của anh Nguyễn Duy Long không chỉ đem đến những bộ trang phục đẹp mà còn trao tặng nụ cười và hy vọng cho những phận đời yếu thế.
Sau khi học thành thạo nghề may, chị Nguyễn Thị Như Thêu ở Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định tự mình làm chủ cuộc đời và tự tin trong cuộc sống. Chị mở cho mình một cửa hàng may ngay tại địa phương và nay chị lại tới gặp anh Long để học thêm kỹ thuật nâng cao.
“Mình học anh Long một thời gian thì về quê mở hiệu. Học xong mình thấy kiến thức chắc, mình có đủ tự tin, ước mơ mở hiệu may không còn quá xa xôi với mình” – chị Thêu vui vẻ cho biết.
Vậy là, chính ngôi nhà của anh Long lại trở thành lớp học và dạy may cho những học viên đặc biệt. Anh thường bảo các học trò của mình, nghề nào cũng vậy, nếu đặt cả cái tâm vào làm nghề thì sớm muộn gì cũng thành công.
Dù vất vả, khó khăn, nhưng khi nhận lại được thành quả các học viên khuyết tật thay đổi bản thân, vươn lên làm chủ cuộc sống, anh Long cảm thấy công sức mình bỏ ra thật xứng đáng “Mình thấy tự hào khi các bạn đã tự lập được bằng chính những nghề mình truyền đạt. Sau khi học xong các bạn ra nghề, lúc đầu cũng chập chững khó khăn, sau cũng thành công, mình thấy tự hào”.
Đối với những phụ nữ khuyết tật, để thực hiện hoài bão, ước mơ sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những con người khỏe mạnh, bình thường khác. Nhờ sự giúp đỡ của anh Nguyễn Duy Long cùng với ý chí nỗ lực vươn lên, các học viên khuyết tật đã khẳng định dù bạn là ai, hoàn cảnh thế nào, nếu không ngừng cố gắng thì trái ngọt sẽ mỉm cười với chúng ta./.