Bất cứ ai từng chiến đấu, bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong những năm kháng chiến chống Mỹ đều không thể quên địa danh này. Nơi đây từng được ví là “túi bom”, là “chảo lửa” bởi sự khốc liệt của nó. Cựu chiến binh Lê Văn Bát, ở Sóc Sơn, Hà Nội từng sống và chiến đấu tại đây không phải ngoại lệ. Mỗi lần nhắc đến thành cổ Quảng Trị, ông lại không cầm được nước mắt.
Cựu chiến binh Lê Văn Bát kể mùa hè năm 1972, Thành cổ Quảng Trị chẳng mấy khi im tiếng bom, tiếng súng. Trên diện tích khoảng 3 km2 của Thành cổ, mặt đất chi chít hố pháo, hố bom, mìn lá, bom bi, ngổn ngang xác xe tăng, xe tải, binh khí... Trên trời, máy bay địch liên tục trinh sát, chốc chốc lại dội bom. Dưới đất, địch cũng thường xuyên nã pháo nhằm ngăn chặn lực lượng Quân giải phóng miền Nam từ phía bắc sông Thạch Hãn. Cả một vùng rộng lớn, cây cối bị cháy xơ xác do vũ khí và chất độc hóa học…”. Giữa “mưa bom, bão đạn” như thế, cựu chiến binh Lê Văn Bát may mắn trở về. Tuy nhiên, nhiều đồng đội của ông đã nằm lại nơi đây.
“Hồi đó, Thành Cổ Quảng Trị như một chảo lửa. Dòng sông Thạch Hãn tràn ngập xác lính, máu nhuốm đỏ cả dòng sông. Lính chúng tôi dùng cái cái túi màu xanh, buộc túm vào, súng gác trên đó, đội mũ tai bèo để bơi qua sông. Đủ các loại đạn bắn xuống, từ đạn pháo, hỏa lực, lựu đạn… Hàng nghìn lính chúng tôi bơi nhưng sang đến bên kia bờ chỉ còn vài chục người”, ông Bát nhớ lại.
Đường Trường Sơn, hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh được ghi lại là trang sử hào hùng của dân tộc. Chỉ bằng sức người và các phương tiện thô sơ, quân và dân ta đã tạo ra con đường - mạng lưới đa tuyến liên hoàn có tổng chiều dài gần 20.000 km. Đây vừa là cầu nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện sức người và của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là điểm tựa, mắt xích lớn nối các chiến trường 3 nước Đông Dương, lại vừa là nơi những người lính cụ Hồ anh dũng, trí tuệ, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Góp phần làm nên và đi qua con đường này trong những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cũng mang theo mình nhiều kỷ niệm. Trong đó, có một sự kiện ông không thể nào quên. “Đường ống xăng dầu ở đường Trường Sơn được ví là huyền thoại trong huyền thoại. Khi tuyến ống bị bom nhiều quá, không vận hành được thì chúng tôi quyết định nắn tuyến. Tuyến mới cũng dày đặc bom từ trường. Các chiến sỹ công binh cũng đã rà phá khá kỹ rồi. Một đồng đội của tôi là anh Nguyễn Lương Định, anh nói rằng chiến tranh, bom chồng lên bom nên có thể vẫn còn sót. Anh ấy xung phong xin vác ống đi kiểm tra một lần nữa và đúng là vẫn còn sót bom. Khi anh ấy đi kiểm tra lần cuối thì bom nổ, một mình anh ấy lĩnh nguyên quả bom”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu rưng rưng kể lại.
Cũng tham gia “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cựu chiến binh Tạ Thị Hiền, ở huyện Đạ Tẻ, tỉnh Lâm Đồng cho rằng không quá lời khi nơi đây được ví là "tuyến lửa”. Bởi lẽ, ở đại ngàn này, hầu hết những cung đường, cây cỏ đều nhuộm đỏ xương, máu của những anh hùng, liệt sĩ. Phần lớn đều nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Là một nữ văn công, chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, bà Hiền không ít lần chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Đó cũng là những ký ức không bao giờ phai nhạt trong tâm trí. “Bằng lời ca tiếng hát, chúng tôi có nhiệm vụ làm nhiệm vụ trấn át nỗi đau cho các chiến sỹ, vì khi đó cứ nơi nào có tiếng bom, có chiến sỹ bị thương là chúng tôi có mặt. Có những lần khi chúng tôi đang hát, cứ tưởng các anh nghe và thiếp vào giấc ngủ nhưng sau đó chúng tôi mới biết các anh đã đi vào giấc ngủ ngàn thu vì những vết thương quá nặng”, bà Hiền nhớ lại.
Thời gian đã xoa dịu phần nào nỗi đau do chiến tranh gây ra. Thế nhưng thời gian không thể khiến những ký ức thời hoa lửa của những người lính cựu phai mờ.
Nghe bài viết dưới đây: