Chiều qua, Quốc hội Khóa XV đã thông qua danh sách 44 người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 này. Theo quy trình, sáng nay, sau khi thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã thành lập Ban Kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trao đổi với phóng viên VOV2 bên hành lang nghị trường, các đại biểu đều cho rằng đây là hoạt động hết sức bình thường. Những cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm sẽ có thêm cơ hội để “sửa mình”.

Đại biểu đã nghiên cứu và cân nhắc kỹ trước khi bỏ phiếu

Là người trực tiếp bỏ phiếu đánh giá 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã cân nhắc và nghiên cứu rất kỹ các tài liệu về những cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm lần này.

“Để việc bỏ phiếu tín nhiệm có độ chính xác cao, Văn phòng Quốc hội đã cung cấp thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm cho các đại biểu chúng tôi cách đây cả tháng, rất kịp thời và đầy đủ. Văn phòng cũng sẵn sàng cung cấp thêm thông tin nếu đại biểu yêu cầu”, ông Thức cho biết.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm chúng tôi thực hiện rất công tâm, khách quan và có cái nhìn đa chiều như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu trong phiên khai mạc. Việc đánh giá người được lấy phiếu tín nhiệm không phụ thuộc vào yêu hay ghét, mà dựa vào hiệu quả công việc”, đại biểu Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Ông cho biết, khi đánh giá về hiệu quả công việc, ông cũng không nhìn theo chiều hướng phiến diện, không vì thấy hiệu quả không cao như mình mong muốn rồi đánh giá tín nhiệm thấp. Mà ông nhìn trong bối cảnh chung, chẳng hạn tình hình thế giới, trong nước, rồi sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế ra sao… rồi mới đánh giá. Đó là “cái nhìn” đa chiều và toàn diện. “Khi bỏ phiếu tín nhiệm phải có cái nhìn công tâm, khách quan cả quá trình công tác chứ không phải chỉ trong một thời điểm nào đó”, đại biểu Nguyễn Tri Thức bày tỏ.

Theo ông, nếu đánh giá không công tâm, khách quan sẽ tác động tiêu cực tới người được lấy phiếu. “Khi không được đánh giá đúng với công sức, thành quả đạt được, người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ mất đi sự tự tin, nhiệt huyết, thậm chí chùn bước trong công tác. Bởi lẽ, họ cảm thấy đã cố gắng rất nhiều mà các đại biểu, xã hội không đánh giá đúng công sức của mình”, ông Thức phân tích.

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động hết sức bình thường. Tại địa phương, ông cũng thuộc đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, ông hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc đánh giá 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 này. “Bây giờ lãnh đạo các cấp cũng phải lấy phiếu tín nhiệm. Đây là cơ hội để những người được lấy phiếu tím nhiệm tự nhìn lại mình trong quá trình hoạt động. Tôi cũng tin các đại biểu đều đánh giá khách quan, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với lá phiếu để có được những cán bộ làm việc hết mình”, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng cho biết.

Theo kế hoạch, đầu giờ chiều nay (25/10), Ban kiểm phiếu sẽ báo cáo kết quả kiểm phiếu. Sau đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được thông tin công khai đến các phương tiện thông tin đại chúng.

Cần thêm “thước đo” để đánh giá

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, (Đoàn Cà Mau) kỳ vọng đợt lấy phiếu tín nhiệm này sẽ là cơ hội để những người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước đánh giá lại hiệu quả công việc, trên cơ sở đó tự điều chỉnh mình. Theo ông, để việc đánh giá chính xác hơn, mang lại hiệu quả cao hơn nữa vẫn cần thêm “thước đo” để các đại biểu dựa vào đó đánh giá. Ông cho biết ở một số quốc gia, với những người được lấy phiếu tín nhiệm thường phải có cam kết chính trị ban đầu. Nói cách khác, đó là khế ước giữa người được cơ quan quyền lực nhà nước giao trách nhiệm, giao nhiệm vụ và cam kết khi nhận nhiệm vụ thì mới có căn cứ để đánh giá.

Còn hiện nay, chúng ta mới chỉ có những chức danh chủ chốt như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là có phát biểu, tuyên thệ khi nhậm chức. Còn những chức danh khác không có phát biểu này, cũng không có cam kết thực hiện nhiệm vụ khi được bầu và phê chuẩn. Vì vậy, các đại biểu gặp khó khăn khi chỉ nhìn vào thực tiễn, xem người được lấy phiếu tín nhiệm làm được gì để đánh giá.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc lấy phiếu tín nhiệm vào giữa nhiệm kỳ là thời gian không ngắn cũng không dài. Các đại biểu Quốc hội phải theo dõi lộ trình giải quyết công việc theo chức năng, quyền hạn của những người chịu sự giám sát của Quốc hội mới có thể đánh giá được. Thông tin quản lý rất phong phú, đa dạng, cần phải có một kiểm điểm, nhưng lại gặp trở ngại là lấy căn cứ nào để so sánh. Vì từ đầu nhiệm kỳ một số chức danh khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn không có bản cam kết nào. Cho nên, kể cả có bản kiểm điểm thì các đại biểu cũng khó lường định, đong đếm được.

“Chẳng hạn, với một ông bộ trưởng khi nhận nhiệm vụ, cho dù không có cam kết trước Quốc hội, nhưng cũng cần có một bản chương trình hành động. Theo đó, trong nhiệm kỳ sẽ làm gì, giữa nhiệm kỳ làm gì, và phân kỳ tiếp theo, trong 6 tháng làm gì… thì mới có thể đong đếm được. Cho nên, hiện nay, chúng ta mới đang thực hiện các quy định. Chúng ta cần đổi mới, có thêm các cơ sở, căn cứ để các đại biểu Quốc hội dựa vào đó để đánh giá. Đây là những điều tôi cho rằng sau này chúng ta phải nghiên cứu”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.