Một trọng những nhiệm vụ được các cấp Hội cựu chiến binh trong cả nước quyết tâm thực hiện là giúp các hội viên cựu chiến binh làm giàu, phát triển kinh tế. Ông Dương Xuân Hảo, Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình cho biết, trong sự phát triển chung của cựu chiến binh cả nước, thời gian tới Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy các mô hình cùng giúp nhau làm giàu của các hội viên.

Hiện nay, các câu lạc bộ doanh nhân cựu chiến binh trên khắp cả nước đang tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp các hội viên phát triển sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bản thân. Những cơ sở sản xuất của những người lính năm xưa không những đóng góp về kinh tế cho xã hội mà còn giúp cho đồng đội vượt qua khó khăn như cách làm của cựu chiến binh Hoàng Văn Phượng, Trung đoàn 498, Bộ Tư lệnh Đặc công. Thời gian đầu về địa phương, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm của người lính, ông Phượng vừa học hỏi kinh nghiệm vừa bắt tay sản xuất. Cho đến nay, sau hơn 10 năm lập nghiệp, gia đình cựu chiến binh Hoàng Văn Phượng đã có hơn 10 ha cây công nghiệp các loại, một xưởng chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, tạo công việc ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Nhờ chọn hướng sản xuất kinh doanh phù hợp nên các hội viên hội cựu chiến binh huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đạt thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm. Với hơn 30 mô hình sản xuất kinh tế, 2.400 hội viên cựu chiến binh huyện Di Linh đã có vươn lên để có đời sống kinh tế khá và giàu. Ông Hoàng Văn Cường, Hội Cựu chiến binh huyện Di Linh cho biết, không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà các hội viên hội cựu chiến binh còn tham gia đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ những cựu chiến binh có sức khỏe mà ngay chính những cựu chiến binh – thương binh cũng vẫn thể hiện rõ tinh thần người lính trong thời bình khi vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giởi. Cựu chiến binh – thương binh Đỗ Xuân Chúc, ở thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là một trong những tấm gương vượt khó khi trở thành một gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh. Với suy nghĩ, làm giàu để không trở thành gánh nặng cho xã hội và có điều kiện giúp những người khó khăn hơn, ông Chúc đã xây dựng được một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và giúp đỡ cho rất nhiều đồng đội xưa.

Trở về đời thường, các cựu chiến binh luôn là những công dân gương mẫu ở nơi cư trú. Những doanh nhân – cựu chiến binh đã tạo công ăn việc làm cho các gia đình đồng đội xưa, cùng nhau cải tiến phương thức sản xuất để ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hưng Yên cho biết, những cựu chiến binh đã tham gia lao động sản xuất và đứng ra làm chủ doanh nghiệp và hợp tác xã khi có điều kiện đều tham gia công tác xã hội nhiệt tình. Họ là những tấm gương sáng trong đời thường.

Không chỉ vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân mà khi cuộc sống ổn định, có thu nhập, những cựu chiến binh ấy lại giúp đỡ những đồng đội còn gặp khó khăn. Ngay cả những cựu chiến binh không có điều kiện về kinh tế nhưng vẫn sẵn sàng đóng góp, ủng hộ về kinh tế để động viên những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa. Những người lính trong thời bình luôn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ năm xưa trong sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh./.