Một ngày của bảo mẫu Đặng Thị Toàn (Làng Hữu Nghị Việt Nam, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) kéo dài từ sáng sớm tới tận đêm khuya. Nhà có 20 con, độ tuổi từ 6 – 25, mỗi đứa một tính nết và đứa nào cũng có khiếm khuyết về thể trạng, nhận thức nên mọi việc từ hướng dẫn, giúp các con vệ sinh cá nhân, lo cơm nước, đưa đi học, đến dọn dẹp nhà cửa, đều 1 tay chị làm. “Các con ở đây bị thiểu năng, khuyết tật vận động, tuy là công việc nhỏ bé như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, quét nhà… nhưng các mẹ cũng phải mất nhiều thời gian công sức để bảo bạn, dạy dỗ thì các con mới có thể làm được. “ - chị Toàn chia sẻ.

Bận rộn với việc chăm sóc các con nên chị Toàn ít có thời gian dành cho gia đình riêng của mình. Khi các con ngủ trưa chị mới tranh thủ về cơm nước cho chồng con rồi lại tất tả về Làng. Gần 20 năm gắn bó với các con ở đây chị chưa dám xa các con ngày nào vì chị sợ nếu mình vắng nhà các con sẽ rất nhớ “mẹ”. Tuy vất vả nhưng bù lại các con lại rất tình cảm, yêu thương chị như mẹ đẻ. Nụ cười, cùng những tiếng gọi “mẹ” đã giúp chị Toàn quên đi những vất vả hàng ngày. Mỗi lúc trở trời, các con đau ốm, chị thức cả đêm lo chăm sóc, chữa trị. Nhiều khi chị còn dùng tiền của mình để mua thêm thực phẩm bồi dưỡng cho trẻ ốm yếu. Tình thương, trách nhiệm chính là sợi dây tình cảm để níu giữ người mẹ với đàn con đặc biệt này.

Ngày mới vào Làng, nhìn những đứa trẻ sống trong đau đớn, vật vã, liên tục xé quần, xé áo, đập đầu vào tường… chị Nguyễn Thị Loan - giáo viên lớp kỹ năng 2 đã khóc rất nhiều. Chị khóc vì thương, vì đau đớn trước nỗi bất hạnh quá lớn của các con, khóc vì sợ mình sẽ chẳng kham nổi công việc này. Nhưng rồi, khi nhìn ánh mắt ngơ ngác của các con, chị lại tự nhủ mình phải cố gắng. “Khi vào đây thì mình phải xác định đây là môi trường khác với những nơi khác, giáo viên ở đây ngoài thái độ, kỹ năng thì tình yêu thương là quan trọng được đặt lên hàng đầu. Ngày mới vào Làng nhìn thấy các con mắt thì lồi ra, đi lại vận động khó khăn, không kiểm soát được hành vi mình cũng thấy sợ, nhưng rồi với lòng yêu thương coi các con như con ruột mình đã vượt qua nỗi sợ ấy. Mình gắn bó được ở đây chính là nụ cười hồn nhiên của các con” – Chị Loan trải lòng.

Lớp học của chị Loan gồm 9 học sinh là những em trí não chậm phát triển, tăng động la hét suốt ngày. Dù đã vào giờ học, nhưng mỗi trò 1 việc là chuyện không hiếm. Cái khó khi dạy trẻ chậm phát triển là nói trước quên sau, nhanh chán nên cùng một bài học, các cô phải hướng dẫn trẻ nhiều lần và tìm nhiều trò chơi khác nhau để các em có hứng học tập.

Gần 20 năm công tác tại Làng, cô Bùi Thị Hà - giáo viên lớp giáo dục đặc biệt không bao giờ quên trường hợp em Sáng. Ngày mới đến Làng, Sáng chào mọi người bằng những viên gạch, hòn đá, vì thế ai cũng sợ. Nhưng với lòng yêu thương, sự đồng cảm, chị lại nhẹ nhàng trò chuyện, kiên nhẫn giải thích cho em hiểu. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, dần dần Sáng đã thay đổi. Với chị, mỗi tiến bộ dù rất nhỏ của các con cũng là động lực để chị cố gắng.

Khó khăn, thử thách là vậy nhưng suốt 25 năm qua, các cô giáo ở Làng chưa bao giờ bỏ cuộc. Hàng ngày các “mẹ” vẫn kiên nhẫn với lòng tin công sức mình bỏ ra rồi sẽ mang lại cho các em thành quà dù là nhỏ nhất và đó cũng là cách để tri ân thế hệ đi trước. “Mình có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay thì cũng phải cảm ơn bố mẹ, ông bà của các bạn, Làng Hữu Nghị, lớp học và các em cũng là tấm gương để chúng ta nhìn thấy sự yêu chuộng hòa bình. Đây là công việc để mình tri ân và biết ơn các thế hệ đi trước đã hy sinh thân mình ngoài chiến trường để mình có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay, và thực sự mình rất biết ơn công việc này” – Chị Bùi Thị Hà tâm sự.

Không thể kể hết nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người mẹ, người thầy nơi đây. Sự hy sinh của họ chính là để thắp sáng ngọn lửa niềm tin và hy vọng cho những cựu chiến binh và những trẻ em có số phận thiệt thòi của Làng Hữu Nghị. Nhờ những việc làm bình dị nhưng đong đầy tình yêu thương, lòng nhân ái của cán bộ, bảo mẫu của Làng đã nhân lên thật nhiều hạnh phúc cho những người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. suốt bao năm qua./.

Mời nghe bài viết tại đây: