Ước mơ vươn tới cuộc sống độc lập

Trong lễ tuyên dương thanh niên “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023, Nguyễn Việt Hùng là một trong 35 thanh niên khuyết tật tỏa sáng. Phía sau cánh gà, chị Lan vợ Hùng thì thầm vào tai chồng “Chúc mừng anh” rồi đưa Hùng ra sân khấu.

"Em không nghĩ mình được giải thưởng lớn như vậy" - Hùng chia sẻ.

Trần Việt Hùng sinh năm 1996 ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Hùng là con đầu lòng, bao yêu thương, kỳ vọng của cha mẹ đặt vào cậu bé bụ bẫm, kháu khỉnh. Mọi chuyện bắt đầu từ khi Hùng được 3 tháng tuổi, người cứ mềm oặt, chẳng có biểu hiện tập lẫy, tập bò. Cứ như vậy bố mẹ đưa con trai đi hết viện này đến viện khác tìm nguyên nhân và cách chữa trị.

"Ở Hà Nội, bác sĩ nói em bị bại não còn ở bệnh viện tỉnh thì nói em bị bại liệt" - Hùng thuật lại.

Người lớn phải trải qua sự đau khổ, tuyệt vọng với cả ngàn câu hỏi “tại sao số phận bất hạnh lại rơi vào con mình?”, còn Hùng còn quá nhỏ để hiểu thế nào là khuyết tật. Chỉ khi học xong lớp mẫu giáo rồi phải ở nhà, Hùng mới thấy sự thiệt thòi bắt đầu từ đó.

"Em chỉ học hết mẫu giáo, biết đọc chữ cái thôi. Sau đó ở nhà được ông bà, bố mẹ dạy cho. Em gái em thì sửa lỗi chính tả cho em" - ngôi trường lớn của Hùng là tổ ấm gia đình.

Giờ đây Hùng đọc thông viết thạo và hiểu một số từ tiếng Anh cơ bản phục vụ công việc biên tập, chỉnh sửa video. Con đường thành công luôn tỷ lệ thuận với quá trình tự học.

Hùng kể, em thích mày mò chiếc điện thoại, học cách cắt sửa video cơ bản. Rồi khi có máy tính, công nghệ rộng lớn mở ra trước mắt cậu bé khuyết tật.

Tháng lương đầu tiên của em là gần 3 triệu đồng. Số tiền cứ tăng dần qua các năm. Chàng trai ngồi xe lăn, chỉ có một ngón tay cái cử động, dùng để điều khiển chuột máy tính đã tự lo cho cuộc sống của mình và vợ con.

Hùng nói, nếu em không kiếm ra tiền, bố mẹ cũng lo cho em, nhưng khi kiếm ra tiền mình sẽ tự tin hơn, cảm giác không lệ thuộc nữa. Đó cũng là suy nghĩ của bất kỳ ai, đặc biệt là với người khuyết tật. Với mức hỗ trợ ít ỏi hiện nay của Nhà nước, phần lớn cuộc sống của người khuyết tật vẫn nhờ vào sự hỗ trợ của người thân.

Còn Bùi Thu Hiền thành viên CLB Người trưởng thành sống với CP tỉnh Bắc Giang thuộc dạng khuyết tật nặng. Hiền từ khi sinh ra đến giờ chỉ nằm một chỗ. Việc cử động chỉ vỏn vẹn ở những ngón chân. Tổn thương não nặng khiến việc phát âm của Hiền rất khó khăn. Ngày mà các thành viên của doanh nghiệp xã hội "Chạm vào xanh" đến thăm, Hiền cười tít mắt. Hiền đã được trao cơ hội làm việc và có thu nhập.

"Mẹ em bảo bị như thế thì làm làm gì. Em bảo không, con làm vì con thích" - Hiền nói từng chữ khó nhọc.

Hiền đan vòng bằng những ngón chân. Cô cố định dụng cụ vào một chỗ và nằm đan. Cái tên “vòng tay sinh tồn” được Hiền tạo ra như thế. Doanh nghiệp xã hội "Chạm vào xanh" đã hỗ trợ Hiền 5 triệu đồng để mua nguyên liệu và bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm.

Công việc vẫn là điểm mấu chốt

Trao đổi với phóng viên VOV2, anh Lê Viết Thuận - Chủ nhiệm CLB người trưởng thành sống chung với CP tỉnh Bắc Giang cho biết, CLB chỉ có 2/15 thành viên có việc làm.

"Bại não ảnh hưởng đến nhận thức và thể trạng vận động. Nhưng 2/15 người có việc làm là con số quá ít" - anh Thuận nói.

Bản thân Lê Viết Thuận học ngành công tác xã hội nhưng không xin được việc làm. Thuận dành tình yêu đó cho công tác Hội, miệt mài những chuyến xe buýt đi từ tỉnh đến huyện, gặp gỡ các bạn đồng cảnh, hỗ trợ giải quyết những khó khăn về chính sách mà người khuyết tật gặp phải.

"Chúng tôi sẽ phân loại hội viên. Ai làm được đồ handmade sẽ lập thành nhóm để đào tạo, trau đồi kỹ năng. Nhóm nào làm được công nghệ thông tin sẽ liên kết với các đơn vị dạy nghề như Nghị lực sống, Trung tâm dạy nghề Bắc Giang để mở khóa học online" - Thuận chia sẻ định hướng cho CLB.

CLB Người trưởng thành sống với CP tại Việt Nam hay còn gọi là những người bị tổn thương não, bại não được thành lập từ năm 2020. Với mong muốn đưa tinh thần sống độc lập đến những người mắc hội chứng CP, những thành viên cốt cán của CLB như Lưu Thị Hiếu, Nguyễn Thùy Chi đã thành lập doanh nghiệp xã hội Chạm vào xanh để hỗ trợ việc làm cho những bạn đồng cảnh.

Chị Nguyễn Thùy Chi cho biết, sản phẩm kinh doanh chính của Chạm vào xanh là hàng thủ công, đan móc len do chính các bạn khuyết tật làm ra. "Tôi nghĩ rằng trước khi tạo việc làm thì các bạn cần thêm một số kỹ năng như kỹ năng mềm, kỹ năng sống độc lập"- Thùy Chi nhấn mạnh đến tinh thần sống tự chủ trong suy nghĩ thì tinh thần làm việc sẽ nâng lên./.

Nghe chương trình tại đây: