Bỏ tiền triệu để bị lừa

Cách đây vài năm, bà Nguyễn Thị Dung ở Hà Nội bị đau xương khớp. Thay vì đi thăm khám bác sĩ chữa trị theo khoa học, bà Dung được mách bài thuốc dân gian dùng cao hổ cốt chữa đau xương.

"Tôi dùng một lạng giá 7,5 triệu đồng, dùng trong 2 tháng mà không thấy hiệu quả" - Bà Dung thừa nhận mình như bị lừa.

Nhu cầu chữa bệnh, làm đẹp, trang trí nhà cửa, phong thủy từ động vật hoang dã, quý hiểm đã đẩy nhiều loài động vật đến bờ vực tuyệt chủng. "Họ tin rằng cái gì càng đắt, càng quý hiếm thì càng hiệu nghiệm và thể hiện đẳng cấp" -chị Bùi Thị Hà, PGĐ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết.

Thống kê của Tổ chức Wildlife Justice Commission (WJC) cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2016 – 2019, ước tính có khoảng 206,4 tấn vảy tê tê bị thu giữ từ 52 vụ buôn lậu trên toàn cầu, trong đó Việt Nam liên quan đến gần 70% các vụ thu giữ quy mô với 143,6 tấn vảy tê tê. Với niềm tin cho rằng vảy tê tê có thể chữa bách bệnh, một số người Việt Nam cũng săn lùng vảy tê tê và chấp nhận mua với giá cao, điều này vô hình trung đã biến Việt Nam vừa trở thành thị trường trung chuyển vảy tê tê sang các nước khác, vừa tiêu thụ tê tê. Xét về dược tính, vảy tê tê có vị mặn, tính hàn, chỉ giúp thông kinh lạc, trừ phong, hoạt huyết, tiêu nhọt, lợi tia sữa… chứ không phải là thần dược có thể chữa đái tháo đường, tăng cường sinh lực, điều trị ung thư, chữa viêm xoang… như nhiều lời đồn thổi. Thậm chí, nếu sử dụng không đúng cách còn có thể gây nguy hiểm bởi vảy tê tê vốn chứa độc tố và có thể gây ung thư.

"Nếu mà uống sừng tê giác chữa được mọi bệnh thì cần gì mấy ông bác sĩ. Sản phẩm đó chỉ dành cho người nhiều tiền và sợ chết thôi" - Anh Nguyễn Văn Tình ở Thái Nguyên không tin về những công dụng đồn thổi đó.

Đau xót hơn là những bài thuốc bách bệnh được truyền miệng đã xâm nhập vào thị trường y tế mà người mua thường thừa niềm tin nhưng thiếu tỉnh táo nhất. Đó là những gia đình có người bệnh nặng, chữa mãi chưa khỏi.

"Bạn tôi là bác sĩ, anh ấy chứng kiến có những gia đình rất nghèo nhưng bán nhà bán cửa để mua những bài thuốc từ động vật hoang dã với hy vọng là sẽ khỏi bệnh" -chị Hoàng Thị Minh Hồng sáng lập Trung tâm Hành động vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) kể. Là nhà hoạt động môi trường, chị đau xót khi nhiều người nghèo bị lừa.

Nhận thức thay đổi hành động

Trong chương trình "30 phút cùng VOV2", chị Bùi Thị Hà - PGĐ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, lý do con người săn bắt, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã đó là thói quen.

"Thói quen đã đẩy các loài động vật như hổ, gấu, tê tê, tê giác, voi...trở thành đối tượng săn lùng của con người. Càng quý hiếm giá trị càng cao. Khi nhìn thấy một cá thể động vật hoang dã, ít người nghĩ đó là thiên nhiên tươi đẹp, chúng ta cần bảo vệ. Thay vào đó, không ít người nghĩ rằng đây là món ăn đặc sản, bộ lông này mà trưng bày thì rất là đẹp..."

Thói quen và nhận thức lệch lạc này là "đòn bẩy", kích cầu tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên thế giới ngày càng gia tăng. Ước tính của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy buôn bán ĐVHD bất hợp pháp ở quy mô toàn cầu có trị giá lên đến hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Con số khổng lồ này chỉ đứng sau buôn bán ma túy, buôn người và buôn bán vũ khí. Buôn bán động vật hoang dã đang trực tiếp làm giàu cho những ông chủ và làm cho nhiều người nghèo đi, lâm vào khốn cùng.

Những chương trình truyền thông về công dụng thiếu căn cứ khoa học về các sản phẩm từ động vật hoang dã đã và đang được đẩy mạnh. ENV đã ghi nhận trong những năm qua, nhiều vụ án buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã đã được chính người dân cung cấp thông tin. "Đó là thành công của công tác tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã. Ý thức của người dân đang được nâng cao" - chị Hà cho biết.

Nghe lại toàn bộ cuộc trao đổi tại đây: