Hiện nay, tình hình tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài trong danh mục nguy cấp, quý, hiếm đang có chiều hướng gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sự phát triển bình thường của các loài động vật. Việc đấu tranh, phòng ngừa và xử lý loại tội phạm này đã, đang và sẽ trở thành yêu cầu cấp bách. Đáng nói là trong thời gian gần đây, các lực lượng chức năng đã triệt phá được nhiều vụ việc nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép.
Sáng 4/8, Công an tỉnh Nghệ An đã đồng loạt ra quân phát hiện nhiều cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành, thu giữ 17 con hổ Đông Dương. Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã mua những con hổ này từ Lào khi còn nhỏ; đưa về nuôi, chăm sóc trong nhà với hệ thống chuồng trại như vật nuôi khác. Tuy nhiên, chuồng trại nuôi hổ được hàn thêm những hàng rào sắt với nhiều lớp cửa bảo vệ. Thời điểm bị bắt giữ, các con hổ có trọng lượng trung bình từ 200-260 kg mỗi con.
Trước đó, ngày 19/5, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, điều tra về việc một hộ dân nuôi nhốt trái phép hàng chục cá thể động vật hoang dã tại xã Đắk D'rông. Tại thời điểm kiểm tra hộ dân này, lực lượng chức năng phát hiện 17 cá thể kỳ đà vân không có nguồn gốc xuất xứ, với tổng trọng lượng 27kg. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ toàn bộ số kỳ đà này để thả về môi trường tự nhiên, đồng thời tiến hành các thủ tục xử lý hình sự vụ việc.
Theo luật sư Vũ Thị Mai Phương – Giám đốc Công ty luật TNHH Sunlight, các loài động vật hoang dã ở Việt Nam được quy định tại Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) gồm nhóm IB và nhóm IIB.
- Nhóm IB là các loại động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam;
- Nhóm IIB là các loại động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân được phép nuôi, nhốt động vật hoang dã là động vật rừng thông thường nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định 06/2019/ NĐ-CP:
- Đảm bảo nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Đảm bảo an toàn cho con người; thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y.
- Thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban kèm theo Nghị định 06/2019/ NĐ-CP; trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra Điều 14 của Nghị định còn quy định về điều kiện nuôi trồng các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại; Điều 15 của Nghị định cũng quy định về điều kiện nuôi trồng các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp thuộc Phụ lục CITES vì mục đích thương mại.
Luật sư Vũ Thị Mai Phương cho biết thêm, nhằm bảo vệ động vật rừng, quản lý các hoạt động liên quan đến động vật rừng, đặc biệt là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, Chính phủ đã quy định cụ thể mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định của pháp luật tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019. Theo Điều 21 của nghị định này gồm 14 mức phạt được quy định từ mức thấp nhất là 5.000.000 đồng đến mức 14 là 400.000.000 đồng.
Cá nhân, tổ chức nuôi nhốt động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm trái phép, giống như vụ việc
Theo Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), tính đến tháng 12/2020, tại Việt Nam có 343 con hổ đang bị nuôi nhốt, trong đó có gần 300 con bị nuôi nhốt tại 21 trang trại và sở thú tư nhân. Số còn lại thuộc sở hữu của các vườn thú và những trung tâm cứu hộ của nhà nước. Hầu hết số lượng hổ tại các cơ sở gây nuôi hổ tư nhân đều có nguồn gốc bất hợp pháp. Một số cơ sở gây nuôi hổ hợp pháp được sử dụng làm bình phong cho các hoạt động buôn bán hổ trái phép.
một số cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép vừa bị triệt phá ở Nghệ An vượt quá mức phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 35/2019/ NĐ – CP ngày 24/04/2019 thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó; Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng.
- Khoản 1 quy định trách nhiệm hình sự: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Khoản 2 quy định trách nhiệm hình sự: phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
- Khoản 3 quy định trách nhiệm hình sự: phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
- Khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
- Khoản 5 quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội; Pháp nhân thương mại phạm tôi quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
+ Phạm tội quy định tại khoản 1 thì bị phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng.
+ Phạm tội quy định tại khoản 2 thì bị phạt từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng.
+ Phạm tội quy định tại khoản 3 thì bị phạt từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;
+ Pháp nhân thành lập để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật với luật sư Vũ Thị Mai Phương - Giám đốc Công ty luật TNHH Sunlight: