Tình yêu với nghề thoát nước

Anh Phạm Thành Trung sinh năm 1982, quê ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí và ngành điện Trường Cao đẳng Điện lực (nay là Đại học Điện lực), anh Phạm Thành Trung được nhận về làm việc tại một công ty liên doanh về cơ khí xây dựng. Mọi việc rất thuận lợi khi anh được làm việc gần nhà lại có mức lương hậu hĩnh. Thế nhưng công ty lại chuyển địa điểm khiến Trung rơi vào tình cảnh thất nghiệp. May mắn, anh được một người thân trong gia đình giới thiệu vào làm việc tại Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Những ngày đầu tiếp cận với công việc, anh Trung cũng có những bỡ ngỡ, lo lắng, nhất là việc ứng trực thoát nước bất kể đêm ngày khi có mưa to. Tuy nhiên, đã quen với sự vất vả lại được anh em trong đội tận tình hướng dẫn nên Trung nhanh chóng vượt qua và tìm được niềm vui trong công việc. Gia đình luôn là hậu phương vững chắc để anh Trung hoàn thành tốt nhiệm vụ:

- Gia đình rất vui vẻ khi mình làm ở công ty thoát nước, vợ mình cũng làm ở đây. Gia đình luôn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hết mức để vợ chồng mình hoàn thành nhiệm vụ xí nghiệp giao, để làm sao Thủ đô không bị ngập úng.

Năm 2017, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thành lập Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ, anh Phạm Thành Trung được điều về Tổ xử lý chất lượng nước trực thuộc xí nghiệp. Hiện anh được xí nghiệp giao là quản lý duy trì 2 trạm bơm: Trạm bơm Ngọc Khánh và Trạm bơm công viên Hòa Bình, chăm sóc 674 bè thủy sinh, 30 máy sục khí trên các hồ. Công việc hằng ngày của anh là duy trì hồ sạch đẹp và vận hành cửa phai trạm bơm đúng quy trình, đưa nước ra, vào hồ một cách nhanh nhất để giảm úng ngập.

Nói đến nghề thoát nước, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc ngụp lặn, nạo vét nơi cống ngầm. Với công nhân làm công việc quản lý, duy trì hồ như anh Phạm Thành Trung, đặc thù công việc có phần khác nhưng vẫn không kém phần vất vả.

"Ngày mưa hay ngày nắng, trời nóng hay trời lạnh, các công nhân Xí nghiệp Quản lý, duy trì hồ vẫn phải bám hồ, làm việc trên hồ. Mùa đông tuy lạnh nhưng xuống hồ làm một lúc, người có thể ấm lên nhưng mùa hè, nắng gắt bốn mươi mấy độ, lại mặc đồ bảo hộ, rồi áo phao, làm một lúc là rực hết cả người, mồ hôi ướt đẫm quần áo. Ai làm ở hồ cũng phải mang theo vài bộ quần áo để thay. Mùa mưa thì phải trực 24/24. Có những trận mưa, anh em chúng tôi phải mở cửa phai cho nước vào hồ. Cuốn theo dòng nước là rất nhiều rác, pa-let, xà gồ, chăn chiếu hay có khi là cả tấm đệm, khúc gỗ to chắn ngang khiến cửa phai không đóng được. Chúng tôi phải chui xuống dưới, gỡ những vật cản ấy ra để không bị mắc cửa phai." - Anh Phạm Thành Trung chia sẻ.

Dù công việc vất vả là thế nhưng anh Phạm Thành Trung vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn 10 năm qua, anh chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình: "Mình là thoát nước Hà Nội mà. Làm đẹp cho Thủ đô – trái tim của cả nước, không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, mà đấy là niềm vui, động lực, niềm tự hào."

Phạm Thành Trung cũng đã trở thành cái tên quen thuộc của mọi công nhân phụ trách hồ Hà Nội bởi sự nhiệt tình, chịu khó và trách nhiệm với công việc.

Anh Lê Văn Thắng, đồng nghiệp với anh Trung tại Xí nghiệp Quản lý và duy trì hồ nhận xét: "Anh Trung là người hòa đồng với anh em và luôn bảo ban anh em những điều anh ấy biết. Trong công việc, anh ý đòi hỏi rất cao để hoàn thành nhiệm vụ trên giao nhưng làm việc với anh Trung cảm thấy thích vì rất được việc."

"Anh Trung rất tốt, hòa đồng với anh em. Một số công việc anh em chưa biết, đồng chí Trung hay giúp đỡ, chỉ bảo để anh em làm việc hiệu quả, năng suất cao hơn." - Anh Nguyễn Văn Toàn (Xí nghiệp Quản lý và duy trì hồ) cho biết.

“Cây sáng kiến” của ngành thoát nước

Không chỉ yêu nghề, say mê học hỏi, điều đáng cảm phục hơn nữa của Phạm Thành Trung chính là tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ trong trong công việc. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề cơ khí và nghề điện, sau những bỡ ngỡ ban đầu với công việc mới, anh Trung đã trở thành nhân tố tích cực trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh luôn say sưa tìm tòi, nghiên cứu, cho “ra lò” nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn:

Chị Phạm Thanh Thủy – Trưởng phòng Hành chính, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ cho biết: "Anh Trung là gương điển hình trong lao động sản xuất và trong các phong trào thi đua. Trong lao động, sản xuất, anh là người chăm chỉ, nỗ lực, cố gắng, luôn tìm tòi, áp dụng các công nghệ mới trong công việc. Hàng năm anh đều có những sáng kiến cải tiến giúp nâng cao năng suất lao động cũng như giảm thời gian, công sức cho người lao động. Các sáng kiến của anh Trung được đánh giá có hiệu quả rất cao và được Hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công ty công nhận. Qua các đợt thi thợ giỏi của ngành xây dựng cũng như thành phố Hà Nội, anh Trung đã đạt các giải cao."

# Sáng kiến đầu tiên phải kể đến của anh Phạm Thành Trung là việc cải tiến làm quả găng co giãn khi thực hiện nhiệm vụ thông cống. Bình thường, để thông cống thoát nước, công nhân sử dụng quả găng có dây chạc buộc 2 đầu, kéo đi kéo lại một đoạn cống (từ hố ga 1 sang hố ga 2). Tuy nhiên nếu gặp các chướng ngại vật lớn thì quả găng sẽ bị kẹt, đứt dây kéo khiến công nhân phải lội xuống cống dò tìm. Anh Trung sáng kiến ra quả găng co giãn gắn lò xo và các khớp động, có thể kéo giãn, giảm thể tích để dễ dàng chui qua các vật cản dưới lòng cống mà vẫn đạt hiệu quả thông tắc bùn đất.

# Một sáng kiến hữu ích khác của anh Trung và đồng nghiệp là cải tiến xe gom bùn cống ngang để vận chuyển bùn mương cống ngầm thay thế xe cải tiến. Xe kéo này không chỉ giúp bùn, nước không chảy ra đường, mà còn hỗ trợ tăng cường lực đẩy, giúp công nhân đỡ vất vả khi kéo đẩy xe bùn trên những đoạn đường gập ghềnh, có độ dốc lớn... Sáng kiến này của anh Phạm Thành Trung nhanh chóng được áp dụng trong thực tế, giúp công việc của công nhân nạo vét kênh mương thuận lợi hơn.

# Phạm Thành Trung còn là tác giả của hàng loạt đề tài khác như: “Khôi phục máy phun tơi đã bị ngấm nước vào cuộn dây Stato”, “ Luồn dây điện vào ống ghen bằng động cơ”… Trong đó, sáng kiến khôi phục máy phun tơi đã bị ngấm nước vào cuộn dây Stato của anh đã tiết kiệm cho công ty một khoản chi phí không nhỏ. Bởi trước kia, máy phun tơi hoạt động được một thời gian sẽ bị nước từ bên ngoài rò rỉ vào bên trong động cơ. Nếu cưỡng bức cho động cơ hoạt động sẽ khiến động cơ bị cháy, phải bỏ máy hoặc thuê máy khác với giá thành đắt đỏ. Sáng kiến của anh Trung giúp khôi phục lại hoạt động của động cơ, tránh được lãng phí cũng như sự ảnh hưởng tới quá trình sục khí cho môi trường nước trong hồ. Đi liền với sáng tạo, Phạm Thành Trung cũng phổ biến để các công nhân khác có thể thực hiện ngay trên công trường, đẩy nhanh tiến độ công việc.

# Cũng trong quá trình làm việc, nhận thấy việc vớt rác ở các hồ điều hòa còn nhiều khó khăn, anh đã nảy ra sáng kiến chế tạo thuyền vớt rác tự động (có băng tải tự động sử dụng động cơ phát điện hoặc năng lượng mặt trời). Với sáng kiến này, người công nhân chỉ phải điều khiển thuyền còn việc vớt rác hoàn toàn do máy móc thực hiện nên tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân lực.

Sau khi được điều động về làm công nhân tại Tổ Xử lý chất lượng nước của Xí nghiệp Quản lý, duy trì hồ, “cây sáng kiến” Phạm Thành Trung tiếp tục phát huy sự sáng tạo giúp ích cho công việc.

"Anh em bảo dưỡng trạm bơm kéo ba lăng ở những giá cố định một chỗ rất nặng, rất vất vả mới có thể di chuyển máy bơm gần 1 tấn lên để bảo dưỡng. Vì thế mình đã nghĩ ra trục cẩu có thể quay được 360 độ khi cẩu máy bơm lên để di chuyển đến mặt bằng thuận lợi cho công việc bảo dưỡng, sửa chữa. Ngoài ra những cái điều khiển tủ điện sục khí từ xa bằng sim SMS, đi bất cứ đâu trong đất nước Việt Nam cũng có thể điều khiển bật tắt tụ điện được." - Anh Trung kể về một vài sáng kiến của mình.

Với tâm niệm, người công nhân kỹ thuật phải luôn vững về lý thuyết, giỏi về tay nghề, anh tiếp tục học hỏi từ các đồng nghiệp đi trước; tìm tòi, nghiên cứu thêm kiến thức chuyên ngành liên quan tới công việc của mình từ mạng internet, các nguồn tài liệu sách báo…:

"Hàng năm, công ty Thoát nước luôn có chương trình sáng kiến, cải tiến, khuyến khích từng người lao động có những sáng kiến, cải tiến để áp dụng vào công việc thực tiễn hàng ngày của anh em công nhân. Mình cũng theo sự ham mê, học hỏi các chú bác đi trước, hơn nữa, mình là người thực tế lao động nên mình thấy có thể thay thế những cái nọ, cái kia... thì phù hợp hơn. Những cái đó là động lực để mình nghĩ ra những sáng kiến để anh em công nhân cũng như mình đỡ vất vả hơn, nâng cao năng suất lao động hơn." - Anh Trung cho biết thêm.

Anh Lê Hoàng Đức - Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Xí nghiệp quản lý duy trì hồ nhận xét: "Đồng chí Trung luôn có những cải tiến, sáng kiến mang tính hiệu quả cao cho công ty. Tiêu biểu là lắp đặt hệ thống trụ cẩu quay 360 độ để người công nhân có thể thao tác thuận tiện, vận chuyển các thiết bị bơm dễ dàng trong quá trình bảo dưỡng các trạm bơm trước, trong và sau mùa mưa. Thứ hai là sáng kiến về hệ thống đóng mở cửa phai trạm bơm trên các hồ điều hòa bằng việc áp dụng công nghệ điều khiển từ xa, kết hợp sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Sáng kiến này đặc biệt đã giúp giảm thiểu thời gian di chuyển của người công nhân khi vận hành cửa phai. Việc vận hành cửa phai kịp thời sẽ giảm thiểu rất nhiều cho công tác úng ngập chìm các khu vực liên quan đến các hồ điều hòa trên địa bàn thành phố Hà Nội."

Trong những năm qua, các sáng kiến, cải tiến của anh Phạm Thành Trung luôn được Ban lãnh đạo công ty quan tâm chỉ đạo, động viên kịp thời, lan tỏa toàn công ty để khích lệ người lao động tìm tòi sáng tạo nâng cao hiệu quả sản xuất và được đồng nghiệp đánh giá cao:

- Những sáng kiến của anh Trung áp dụng vào công việc rất tuyệt vời, tiết kiệm thời gian làm việc, đỡ hao nhân lực và công sức.

- Các ứng dụng đồng chí Trung sáng tạo lên thì thao tác, vận hành cũng dễ.

Phạm Thành Trung cho rằng, phần thưởng lớn nhất đối với anh chính là niềm tin yêu, trân trọng của lãnh đạo, đồng nghiệp trong Công ty và người dân Thủ đô với những thành quả mang lại từ ý tưởng của anh. Đó chính là nguồn cổ vũ lớn lao để Phạm Thành Trung tiếp tục có những cống hiến mới cho công ty cũng như môi trường Thủ đô trong thời gian tới.

Cùng với những đóng góp cho công việc chung, anh Trung còn chịu khó tham gia các cuộc thi tay nghề của ngành Xây dựng, hội thi thợ giỏi thành phố và liên tục được các giải thưởng cao, được tặng nhiều bằng khen về thành tích sản xuất, chiến sĩ thi đua, người tốt, việc tốt cấp thành phố. Với cương vị Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, anh Trung thường xuyên tuyên truyền những điển hình trong công ty với anh em trong đội, động viên khuyến khích anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy tinh thần sáng tạo trong công việc. Năm 2023, dưới sự động viên, khích lệ của anh Phạm Thành Trung, anh Nguyễn Văn Toàn – một thành viên của Tổ xử lý chất lượng nước đã đăng ký thi hàn điện tại Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội và giành giải Nhất ngay lần thi đầu tiên.

Những cố gắng, nỗ lực và đóng góp của Phạm Thành Trung đã được các cấp, ngành ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: liên tục được Công ty Thoát nước Hà Nội khen thưởng có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và các phong trào thi đua, có thành tích trong sáng kiến cải tiến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; nhiều năm liền đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở"; năm 2017, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố; “Người tốt, việc tốt” năm 2018; Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tặng danh hiệu “Công nhân giỏi” năm 2017-2018; Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội công nhận là “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2016, 2018; tham gia Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2023...

Hơn 10 năm công tác, anh Trung được mọi người trong công ty đánh giá là công nhân nhiệt huyết, chịu khó, tích cực của xí nghiệp và công ty, đặc biệt, góp phần quan trọng trong công tác chống úng ngập của thành phố. Anh luôn tự hào và mong muốn góp sức nhỏ bé vào sự phát triển, làm đẹp Thủ đô để cho mọi người và bản thân mình cùng thụ hưởng môi trường sống sạch, đẹp:

"Hàng ngày mình vẫn mặc bộ quần áo công nhân này đi làm cũng như đón các con. Mình cảm thấy rất tự hào khi mặc bộ quần áo của công nhân thoát nước đi trên đường. Các con của mình cũng thế, cũng thấy rất tự hào." - Anh Trung chia sẻ.

Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu về công nhân thoát nước Phạm Thành Trung - người luôn sáng tạo, nỗ lực hết mình vì thoát nước Thủ đô: