Nói đến rác thải nhựa, hầu như ai cũng biết nó gây ra hệ lụy khôn lường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị ám ảnh sau khi chứng kiến tác hại của nó đối với môi trường và sức khỏe.
Công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam và từng làm nhiều phim khoa học về đề tài rác thải nhựa, đạo diễn Nguyễn Tài Văn hiểu rõ tác hại của loại rác thải này. Dẫu vậy, khi tiếp xúc với một số bệnh nhân ung thư, anh vẫn thấy chua xót và không kìm được nước mắt. Anh tâm sự, có lần cùng các đồng nghiệp vào Bệnh viện K tại Hà Nội làm phim. Khi phỏng vấn, ghi hình những bệnh nhân ung thư, nước mắt cứ tự dưng trào ra. “Mỗi lần đi ghi hình đều tôi đều có những ấn tượng khó quên. Như lần tôi làm phim "Đường đi của rác thải nhựa", tôi vào Bệnh viện K, tôi đã không kìm được cảm xúc khi thấy bệnh nhân đầu trọc lốc, đau đớn, trong đó có cả những bệnh nhi. Hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi mãi”, anh Văn chia sẻ.
Anh Văn cho biết có lần đến quay phim tại làng nghề tái chế nhựa lớn nhất miền Bắc là thôn Minh Khai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Khi trở về, vài tháng sau đó anh vẫn không quên hình ảnh những cột khói đen kịt ở rìa làng theo gió bay lơ lửng, bao trùm lên nhiều nóc nhà. Những cột khói là do một số người dân đốt các thành phần rác không thể tái chế. Vì đốt không đúng quy trình nên những thành phần này có thể tạo ra các chất độc hại tương tự như dioxin.
Cùng với đó là hình ảnh rác thải nhựa vương vãi khắp làng. Có những điểm, rác thải nhựa chất cao như núi. Lân cận những điểm đen đó, anh bắt gặp cảnh một cô bé tầm 10 tuổi, đầu tóc rũ rượi đang ngồi phân loại rác thải nhựa. Sau khi tìm hiểu, anh mới biết trí tuệ của cô bé không bình thường. Ngay từ khi cô bé còn ở trong bụng mẹ, các bác sỹ đã phát hiện ra và chẩn đoán nguyên nhân có thể do người mẹ sống trong bầu không khí bị ô nhiễm. Từ những gì mắt thấy, tai nghe, anh Văn cho rằng rác thải nhựa chẳng khác gì “sát thủ thầm lặng”. “Tôi đã làm hai tập phim với tên gọi “Sát thủ thầm lặng”. Nội dung đề cập những tác động vô hình mà ta không thể nhìn thấy, như ô nhiễm không khí. Hàng ngày nó cứ âm thầm tích tụ, dẫn đến căn bệnh ung thư. Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối mà người dân không hình dung được. Hàng ngày, chúng ta sử dụng và xả ra môi trường rất nhiều nhưng chúng không ý thức được rằng nó quay lại tác động tới cuộc sống của chính chúng ta”, anh Văn nói.
Nếu không được thu gom và tái chế một cách khoa học, rác thải nhựa sẽ bị đẩy đến các bãi rác hoặc đốt. Vì thế, theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi Hội Nhựa tái sinh, các làng nghề tái chế nhựa có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động thu gom và tái chế nhựa tại làng nghề chưa bài bản và khoa học. Đây là yếu tố khiến ông cảm thấy chua xót khi đến làng nghề tái chế nhựa. “Hiện rác thải nhựa chúng ta đưa tới các làng nghề. Cứ như thế này, tôi nghĩ mỗi tháng sẽ sinh ra một làng nghề. Nó tạo ra việc làm nhưng cũng gây ra ô nhiễm. Tôi nghĩ chúng ta không thể cứ làm mãi như vậy. Bản thân người dân ở các làng nghề họ cũng chỉ làm ở đời này thôi, vì nó độc hại. Như ở Trung Quốc, họ không cho đời con làm tái chế nữa”, ông Vượng cho biết.
Không ai phủ nhận phủ nhận vai trò của đồ nhựa. Nhưng, do không được thu gom và xử lý đúng cách sau khi bị thải loại nên rác thải nhựa đã và đang gây ra những hệ lụy khôn lường, trở thành nỗi ám ảnh với con người và là mối đe dọa với môi trường.
Nghe bài viết dưới đây: