Năm qua, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội chung của đất nước. Để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và triển khai chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến “Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024”.

Nhìn chung, kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng trên 5%. Mặc dù không đạt mục tiêu 6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ nhưng nước ta vẫn thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất của thế giới và khu vực. Cơ bản giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn trong bối cảnh thế giới biến động rất phức tạp, khó lường.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023; các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%; lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776,0 nghìn người so với 9 tháng năm 2022; cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người (chiếm 27%), giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,079 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,8%.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 11/2023, số người tham gia BHXH đạt 17,515 triệu người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 14,304 triệu người. Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng trên 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, chính sách BHTN được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời; tính đến đến ngày 30/11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.034.889 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022 (919.075 người), số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (909.089 người); qua đó, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng được nâng cao hiệu quả. Tính đến ngày 20/11/2023, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 600 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới khoảng 4.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa khoảng 3.500 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 580 tỷ đồng; tặng 10.500 sổ tiết kiệm với kinh phí trên 27 tỷ đồng; cả nước có 2.950 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Ngân sách trung ương chi 600 tỷ đồng nâng cấp, tu bổ, sửa chữa mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ cho các địa phương đảm bảo bền vững lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng so với năm 2022. Kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp ổn định, hài hòa và tiến bộ; việc làm và thu nhập của người lao động có tăng so với cùng kỳ năm 2022. Kết nối cung - cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh.

Có thể nói, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Dưới sự Lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ LĐTBXH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội trong năm 2024, Bộ LĐTBXH xác định toàn ngành cần tiếp tục nỗ lực, thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ các chính sách, giải pháp đã ban hành nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Kiên quyết, kiên trì, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, góp phần hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025./.