Nhìn những đồng tiền mệnh giá nhỏ có lẽ ít ai nghĩ sẽ làm được những việc lớn. Thế nhưng ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Nội, 10 năm nay, bằng cách “Tích tiểu thành đại”, chị em phụ nữ nơi đây đã giúp cho nhiều người vơi bớt khó khăn, sống vui mỗi ngày.

Vơi bớt khó khăn nhờ “lợn tiết kiệm”

Chị Đỗ Thị Hợp là một trong những hoàn cảnh éo le ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nghề nghiệp và thu nhập chính đều từ nông nghiệp nhưng sức khỏe lại rất kém. Đã thế, chị Hợp không còn người thân để cậy nhờ những lúc đau, ốm. “Cuộc sống sẽ khó khăn chồng chất nếu không nhận được sự sẻ chia từ mô hình Nuôi lợn tiết kiệm của Hội phụ nữ của xã”, chị Hợp chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng thường xuyên phải tới bệnh viện để chữa trị bệnh. Sức khỏe kém, sức lao động hạn chế song chị còn phải một mình đi làm kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống của chị cũng như việc học của con sẽ không thể đảm bảo nếu không có nguồn hỗ trợ, động viên thường xuyên và kịp thời từ Hội phụ nữ xã Ninh Sở. “Trước tôi đi làm bảo vệ, không có sức khỏe nữa thì đi đánh giày, làm thêm nghề mây tre đan, tháng được vài triệu. Cuộc sống khó khăn vì chỉ có một mình đi làm, chi phí thuốc men và phải nuôi con ăn học. Có Hội Phụ nữ quan tâm, hỗ trợ nên vơi bớt khó khăn”, chị Nhung cảm động kể.

Niềm vui nhân lên

Góp phần mang lại niềm vui cho những chị em khó khăn hơn bằng cách mỗi ngày bỏ vài nghìn tiền lẻ “nuôi lợn tiết kiệm”, chị Phạm Thị Khuyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bằng Sở và các hội viên trong xã cũng có nhiều cảm xúc. Chị cho biết Phong trào “Nuôi lợn tiết kiệm” chủ yếu để giúp đỡ chị em gặp khó khăn. Chị Nhung chỉ là một trong số nhiều chị em nhận được sự trợ giúp từ phong trào này. “Số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn. Với người được hỗ trợ, đó là nguồn động viên, còn với người hỗ trợ thì đó là nguồn vui khó nói hết thành lời”, chị Khuyên thổ lộ.

“Bí kíp” thành công của mô hình

Chị Phạm Thị Ny Na, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết mô hình “Nuôi lợn tiết kiệm” được triển khai khoảng 10 năm nay. Hàng năm, Hội thường phát động “nuôi” vào ngày 8/3 và mổ lợn vào ngày 20/10. Ban đầu, số tiền thu được khá khiêm tốn nhưng đến nay, có những năm đạt khoảng 180 triệu đồng. Thành công của mô hình là do cách làm theo kiểu “tích tiểu thành đại”. Hơn thế, mọi khoản thu – chi đều rất công khai minh bạch. “Chúng tôi có thủ quỹ, có kế toán; thu gì, chi gì chúng tôi đều công khai. Việc lựa chọn người để hỗ trợ, tặng quà chúng tôi cũng đem ra bình xét để chọn ra người xứng đáng nhất”, bà Na chia sẻ.

Cũng theo bà Na, để số tiền tiết kiệm được sử dụng hiệu quả, ý nghĩa nhất, khi quyết định trao tặng hoặc hỗ trợ cho cá nhân nào, Hội đều tìm hiểu rất kỹ hoàn cảnh, điều kiện, nhu cầu của người cần hỗ trợ. “Chúng tôi hỗ trợ thuốc men, gạo và các vật dụng thiết yếu dựa trên hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình cũng như mong muốn của mỗi cá nhân”, bà Na cho biết.

Cứ như vậy, khi khó khăn của những người được nhận hỗ trợ vơi đi thì yêu thương lại đong đầy. Số lượng “lợn tiết kiệm” cứ thế ngày càng nhiều hơn, giá trị mỗi lần mổ lợn cũng lớn hơn.

Nghe chương trình Đời như cổ tích dưới đây: