Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải rắn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia công bố năm 2020 cho thấy, qua phân tích thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 80-96%; thành phần giấy và kim loại thay đổi tùy thuộc vào nguồn phát sinh, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông chiếm khoảng 8-12% và có xu hướng tăng dần theo từng năm. Cả nước hiện có gần 100 bãi chôn lấp chất thải rắn, tuy nhiên, chỉ có 20 bãi chôn lấp hợp vệ sinh và rất ít bãi chôn lấp rác có trạm xử lý nước rác. Chưa có địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoàn thiện, đạt tất cả các tiêu chí về kĩ thuật, kinh tế và môi trường…

Theo TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Phó Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là một thực tế đáng buồn. Chúng ta thấy 80-90% biện pháp xử lý chất thải rắn hiện nay là bãi chôn lấp. Rác thải thì không ngừng tăng theo tốc độ đô thị hóa cũng như theo sự phát triển từ dân số, còn quỹ đất của chúng ta có hạn. Đấy chính là điều thách thức đối với không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, rác thải rắn sinh hoạt ngày càng gia tăng về số lượng, trong khi việc thu gom, phân loại, xử lý… lại chưa thực sự được nhiều người quan tâm. Bằng chứng là chúng ta dễ dàng bắt gặp ở đâu đó hình ảnh rác thải sinh hoạt chất đống không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường và khiến người dân bức xúc.

Đặc biệt, khi đô thị phát triển gia tăng, xã hội ngày càng hiện đại thì con người càng có thói quen lạm dụng đồ nhựa, vì sự tiện lợi của nó. "Chúng ta có thể ra cửa hàng ăn mua một bát bún mang về và đựng bằng cốc, hộp nhựa. Điều đó vô hình chung làm gia tăng lượng rác thải nhựa, trong khi rác thải nhựa có thể tồn tại hàng trăm năm trong môi trường, phân rã trở thành các hạt nhựa nhỏ li ti với kích thước siêu nhỏ gọi là vi nhựa. Chúng phát tán vào nguồn nước, không khí và đất, đi vào chuỗi thức ăn của các loài động vật, thực vật và con người, làm tăng sự phát triển của các tế bào ung thư. Do đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là điều vô cùng quan trọng và cần thiết", TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương phân tích.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được thông qua năm 2020 có quy định việc thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay; trong đó, việc tính phí sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Điều này là hoàn toàn phù hợp với xu thế và hiện trạng hiện nay và các quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng, xuất phát từ nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Người xả ra nhiều rác không thể đóng tiền xử lý lượng rác họ xả ra bằng với người xả ít. Đấy là sự không công bằng. Khi chúng ta đánh vào túi tiền của người dân, của người gây ô nhiễm thì sẽ tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi hành vi của người đó.

Để thực hiện một chính sách mới chúng ta cần có lộ trình thực hiện chứ không thể áp dụng ngay lập tức được. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có lộ trình là dự kiến chính sách này chậm nhất đến năm 2024 sẽ được triển khai vào thực tế và năm nay thì Bộ cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhằm hướng dẫn chi tiết để đưa quy định mới này đi vào thực tiễn. Theo đó, Bộ cũng hướng dẫn các địa phương về phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Thông qua những hướng dẫn cụ thể thì địa phương mới dễ dàng áp dụng, nhằm góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn.

Mời nghe âm thanh tại đây: