Sự gia tăng dân số cộng với sự phát triển của xã hội hiện đại đã khiến cho nhu cầu hưởng thụ cuộc sống, tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, cùng với đó lượng rác thải sinh hoạt cũng tăng theo cấp số nhân.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày trên toàn quốc sẽ phát sinh 120.000 tấn rác thải sinh hoạt. Và điều đáng chú ý là một chiếc túi nilon nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy thì cần từ 500-1.000 năm. Trong khi đó, trung bình 1 người Việt Nam xả hơn 1,2 kg rác thải 1 ngày, trong đó ít nhất có 8% là rác thải nhựa, tương đương với hàng chục chiếc túi ni-lon.

Việt Nam hiện cũng nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới, do việc quản lý và xử lý rác thải chưa triệt để. Điều đáng lo ngại là cả nước hiện nay chưa có địa phương nào có mô hình xử lý chất thải sinh hoạt hoàn thiện, đạt tất cả các tiêu chí về kĩ thuật, kinh tế và môi trường.

Bà Hoàng Thị Diệu Linh, cán bộ phụ trách về Chất thải và Kinh tế tuần hoàn thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, theo báo cáo về môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị là hơn 35.600 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối CTRSH phát sinh trên cả nước. Thành phố HCM và Hà Nội là 2 đô thị có lượng phát sinh CTR lớn nhất, lên đến 12.000 tấn/ngày.

Rác thải sinh hoạt đang trở thành vấn đề nan giải đối với các quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Chất thải rắn sinh hoạt nếu không được thu gom và phân loại đúng cách ngoài việc gây ra các tác hại đến môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí mà còn là nguyên nhân gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên và thiệt hại về kinh tế.

Trước thực trạng và mối đe dọa ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, đã có nhiều chương trình và hoạt động bảo vệ môi trường được phát động và thực hiện. Trong đó, tại tỉnh Gia Lai, tổ chức Hội LHPN đã xây dựng nhiều mô hình và phát động các chương trình bảo vệ môi trường được hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có gần 100.000 lượt hội viên phụ nữ tham gia tổng dọn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, khơi thông dòng chảy, trồng gần 50.000 cây xanh… Hội còn phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường xanh-sạch-đẹp. Các phong trào, mô hình sáng tạo được xây dựng như “chống rác thải nhựa”, “CLB Biến rác thành tiền” hay “CLB tái chế rác”… thu hút sự tham gia nhiệt tình của các chị em. Đặc biệt phong trào “sạch từ nhà ra ngõ” lan tỏa khắp từ đô thị đến các vùng nông thôn và cả vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, những biện pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay ở Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung, nhất là các vùng nông thôn, miền núi vẫn chỉ là biện pháp tạm thời như thu gom, đào hố và đốt để tiêu hủy.

Theo bà Hoàng Thị Diệu Linh, những biện pháp xử lý rác thải rắn sinh hoạt theo cách thủ công có thể gây ra những tác hại khôn lường. “Việc đốt lẫn các loại chất thải mà không có các biện pháp kiểm soát khí thải là hoạt động đốt hở. Đốt hở có thể gây ô nhiễm không khí do tạo ra khí thải có chứa các hạt bụi mịn, khí methane, dioxin, các hợp chất hữu cơ và kim loại nặng. Các chất này có thể tích tụ trong môi trường, trong chuỗi thức ăn, gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho hệ động, thực vật và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người khi tiếp xúc lâu dài như suy tuần hoàn, các bệnh về hô hấp, ung thư phổi, các vấn đề sinh sản, thần kinh... Ở cấp hộ gia đình, chúng ta có thể thay thế hình thức đốt hở bằng cách thực hiện phân loại CTR tại nguồn, tăng cường thu gom để tái chế, chế biến phân vi sinh” – bà Hoàng Thị Diệu Linh nhấn mạnh.

Để giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thực hiện phân loại rác ngay tại nhà. Đây là hoạt động thiết thực mà mỗi người trong chúng ta đều có thể dễ dàng thực hiện được, bằng cách để riêng các các vật liệu có thể tái chế (như các bao bì nhựa và giấy, kim loại), hoặc nếu có thể là súc rửa sạch sau sử dụng. Khi phân loại rác, các vật liệu có thể tái chế sẽ được tách ra khỏi rác hữu cơ. Điều này sẽ giúp quá trình tái chế được dễ dàng hơn do ít bị nhiễm bẩn, từ đó tao điều kiện cho các loại vật liệu này có thể quay lại chu trình sản xuất, tác động tích cực đến quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm lượng rác cần đưa đến các bãi chôn lấp, từ đó giảm chi phí xử lý rác thải cho các cơ quan quản lý môi trường và hệ thống xử lý rác thải và giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường xung quanh.

Có thể thấy công tác quản lý chất thải không chỉ liên quan đến khâu xử lý mà còn ở khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế. Chúng ta đã có một số quy định như Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra chính sách “người xả rác trả tiền” và yêu cầu phân loại chất thải, và tạo cơ sở pháp lý cho các chương trình về trách nhiệm mở rộng của người sản xuất (EPR). Bên cạnh đó, Nghị định 08/2022 hướng dẫn thực hiện Luật BVMT cũng đưa ra quy định về việc xây dựng kế hoạch và triển khai phân loại CTR tại nguồn vào đầu năm 2025, quy định về thúc đẩy các hoạt động tái chế chất thải như xử lý, chế biến chất thải để chuyển hóa thành nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có ích, thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đối với chất thải nhựa, Việt Nam đã có cam kết giải quyết các thách thức về ô nhiễm chất thải nhựa, thể hiện thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 22/10/2018) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quyết định số 1746/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Quyết định 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn là một biện pháp quan trọng để giảm thiểu tác hại tới môi trường. Tuy nhiên vẫn rất khó thực hiện trong thực tiễn. Theo bà Hoàng Thị Diệu Linh có rất nhiều rào cản không chỉ trong khâu xử lý mà còn trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, có thể kể đến bao gồm: nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong quản lý CTRSH còn chưa cao, còn thiếu cơ sở hạ tầng cho việc thu gom chất thải đã được phân loại, khó khăn của chính quyền trong việc lựa chọn vị trí để xây dựng/lắp đặt cơ sở hạ tầng phục vụ công tác thu gom và phân loại cần thiết. Bên cạnh đó, dù đã có một số quy định nhưng hệ thống chính sách, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý CTRSH còn chưa hoàn thiện.

Rác thải sinh hoạt là một vấn đề quan trọng buộc chúng ta phải giải quyết, nếu không sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe của chính chúng ta. Để giảm thiểu tác hại từ rác thải sinh hoạt rất cần những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, đặc biệt cần những biện pháp công nghệ để xử lý rác ở tầm vĩ mô. Nếu không đồng bộ, thì việc tuyên truyền, thực hiện phân loại rác thải từ nguồn cũng không có tác dụng.

Mời nghe âm thanh tại đây: