PGS Nguyễn Lân Hiếu: Nên phủ hết vaccine rồi mới mở cửa trường học

[VOV2] - "Nếu chưa tiêm phủ hết vaccine thì chưa nên mở cửa trường học trực tiếp. Không thể nào một trường học vừa mở cửa được 1-2 tuần, có ca dương tính lại đóng lại. Như vậy không ổn định”, PGS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.

Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, PGS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có những chia sẻ về chiến lược tiêm vaccine cho trẻ em.

Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi cần phải dựa vào cơ sở khoa học cũng như điều kiện của xã hội.

“Khi chúng ta đã đủ vaccine để tiêm cho các đối tượng ưu tiên như theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì lúc đó sẽ tổ chức tiêm cho người trẻ. Đối tượng đầu tiên nên chọn là từ 16 đến dưới 18 (tức học sinh THPT). Đối tượng này cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh, nguy cơ mắc bệnh và khả năng tăng nặng tương đương với những người trên 18. Các em cần được tiêm sớm để việc học tập được ổn định, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT”, PGS Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Đối với trẻ từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi (lứa tuổi học sinh THCS), theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, trước tiên ưu tiên cho trẻ có các yếu tố nguy cơ như béo phì, có bệnh nền… Còn các em ở lứa tuổi khác thì tùy vào nguyện vọng của gia đình.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa đảm bảo tỉ lệ bao phủ vaccine, PGS Hiếu cho rằng nên tiếp tục duy trì học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, THCS. Ở những nơi việc học trực tuyến khó khăn mới cho các em học trực tiếp tại trường.

“Học sinh THPT tiêm vaccine xong thì mở cửa trường lại. Học sinh THCS thì tùy theo tình hình bao phủ vaccine của gia đình, xã hội sẽ mở cửa lại toàn bộ. Hiện nay một số tỉnh cho học sinh đi học như Phú Thọ nhưng dịch đã xâm nhập vào trường học. Trong lớp học có vài ca nhiễm thì nguy cơ lây nhiễm rộng sau đó phải đóng cửa trường lại. Không thể nào một trường học mở cửa vừa được 1-2 tuần có ca dương tính lại đóng. Như vậy không ổn định”, PGS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.

Tương tự, liên quan đến việc mở cửa trường học ở Hà Nội, trước ý kiến cho rằng Hà Nội cơ bản là vùng xanh, cấp độ dịch đã được công bố cụ thể các quận/huyện, phường/xã vì sao vẫn cứng nhắc chưa mở cửa trường học? PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nếu Hà Nội mở cửa trường nhưng có một ca dương tính lại đóng thì rất khó.

“Chúng ta nói là vùng xanh nhưng Hà Nội có nguy cơ rất cao. Khi xã hội mở cửa, sống chung với COVID-19 thì ai cũng có thể bị nhiễm. Nhưng nhiễm ngoài cộng đồng số lượng ít chúng ta còn có kế hoach điều chỉnh, khoanh vùng, cách ly diện nhỏ nhưng ở một trường học thì rất khó vì học sinh học tập, ăn uống tập trung. Tôi vẫn mong sớm tiêm vaccine cho học sinh THPT. Số lượng này cũng không quá nhiều, nếu có vaccine chỉ cần tiêm dồn một tuần là xong”, PGS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Đối với trẻ từ 0 đến dưới 3 tuổi, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chưa vội tiêm vaccine. Đối với lứa tuổi 12-18 các nghiên cứu trên thế giới đã có đủ cơ sở khoa học về độ an toàn, hiệu quả khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, với lứa tuổi dưới 12 thì thế giới vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa nên nóng vội tiêm vaccine cho đối tượng này.

Thực tế trong quá trình tổ chức điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, tỷ lệ trẻ dưới 12 tuổi bị nặng là rất ít. Có một số trẻ nhỏ tử vong nhưng chủ yếu là bị bệnh nền.

Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, chưa vội tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 3 bởi hiện nay độ bao phủ vaccine cả mũi 1, mũi 2 vẫn chưa đảm bảo. Chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt như người suy giảm miễn dịch, người đang công tác ở khu vực đặc biệt mà hàm lượng kháng thể ít thì mới cân nhắc tiêm mũi thứ 3.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn, theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại trường học tập; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định.

Cụ thể, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): căn cứ vào thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến, học trên truyền hình hoặc giao bài tự học...

Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Vùng dịch cấp độ 1 và 2 tổ chức cho học sinh học trực tiếp

[VOV2] - Bộ GD-ĐT đề nghị, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 tổ chức dạy học trực tiếp, củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch diễn biến phức tạp.
image-article
Tag:

Phát hiện nhiều ca Covid-19, hàng nghìn học sinh ở Bắc Ninh dừng đến trường

[VOV2] - Trong 2 ngày 19/10 và 20/10, trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận chùm 11 ca mắc Covid-19 tại cộng đồng liên quan đến các ca bệnh tại Trường Mầm non Sao Mai, thành phố Bắc Ninh.
image-article
Tag: