Ngày 4/5, trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức buổi sinh hoạt công dân - giao lưu doanh nghiệp và trao học bổng cho sinh viên Dệt May - Da giầy và Thời trang.

Năm nay, tổng số 75 sinh viên K65-68 của khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang có thành tích học tập tốt, cùng với dự kiến 20 sinh viên trúng tuyển kỳ tuyển sinh năm 2024 ngành Công nghệ Dệt- May theo phương thức xét điểm thi THPT, kiểm tra tư duy và xét tuyển tài năng sẽ vinh dự được nhận học bổng hỗ trợ từ các Doanh nghiệp trong ngành với tổng giá trị 514 triệu đồng.

Học bổng là phần thưởng nhằm khích lệ các em sinh trong toàn Khoa, ngành công nghệ Dệt May cố gắng hơn nữa trong học tập và rèn luyện. Đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm và nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại sự kiện, PGS. TS. Phan Thanh Thảo, Trưởng Khoa Dệt may - Da giầy và Thời trang khẳng định hiện nay nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành dệt may, da giầy và thời trang trên thế thế giới và ở Việt Nam là vô cùng lớn. Trên cơ sở hợp tác giữa doanh nghiệp và trường Vật liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội, đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm cung cấp thông tin hữu ích để sinh viên lựa chọn ngành nghề, cơ hội việc làm sau ra trường.

Với triết lý giáo dục “Chất lượng - Hội nhập - Sáng tạo”, nhà trường đảm nhận vai trò là đơn vị số một của Việt Nam trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực Dệt May - Da giầy và Thời trang, đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành trong tương lai - PGS. TS. Phan Thanh Thảo nhấn mạnh.

Ông Akihiro Suzuki, giám đốc Công Ty TNHH Toray Industries (H.K.) Việt Nam chuyên phát triển về vật liệu cho ngành dệt may, nơi đã và đang sử dụng một số kỹ sư tốt nghiệp từ ĐH bách khoa Hà Nội đánh giá: “Các em sinh viên tới từ trường Vật liệu, Đại học Bách khoa là những con người ưu tú, thái độ tốt, có tiềm năng lớn trong công việc. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng phạm vi kinh doanh tại Việt Nam và mong muốn có nhiều cơ hội được giao lưu, tuyển dụng sinh viên của trường.”

Ông Chen Jun Jian, phó tổng giám đốc Công ty TNHH XDD Textile Việt Nam, có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực dệt sợi chia sẻ: “Hiện nay, công ty có 20 bạn là cựu sinh viên Đại học Bách khoa đang công tác và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như giám đốc bộ phận, kỹ sư, … Chúng tôi bắt đầu hợp tác với nhà trường từ năm 2018, sinh viên của khoa Dệt may - Da giầy và Thời trang có khả năng học tập tốt, kỹ thuật cao, … đáp ứng mọi yêu cầu trong công việc.”

Tròn 40 năm kể từ ngày tốt nghiệp, ông Nguyễn Đức Hùng, cựu sinh viên K24 lớp Công nghệ Dệt, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đang là giám đốc điều hành Công ty TCE JEANS, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang các nước châu Âu và châu Mỹ. Tự hào và tự tin bởi những kiến thức mình được thầy cô truyền thụ trong 5 năm học tại trường và khi ra trường được làm đúng chuyên ngành mình học ông Hùng cảm nhận được sâu sắc giá trị của những năm tháng học tập, rèn luyện tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Chính vì vậy, ông mong muốn được chia sẻ những giá trị ấy cho các bạn sinh viên đang học chuyên ngành này tại ĐH Bách Khoa, Hà Nội.

Bày tỏ niềm phấn khởi, khi trở lại trường trao học bổng hỗ trợ học tập cho sinh viên, ông Đức Hùng cho biết: “Sinh viên Bách khoa có đầu vào cao, trải qua rèn luyện tại trường giúp các bạn có trình độ, nền tảng tốt trong công việc. Ngành dệt may, da giầy tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai, vì vậy việc đào tạo của trường Vật liệu cho ngành này đang vô cùng phù hợp với, xu hướng nhu cầu của doanh nghiệp”

Đỗ Thị Huyền, sinh viên lớp Công nghệ và Vật liệu Da giầy K65 cho biết em rất hạnh phúc khi đạt được học bổng lần này. Việc kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp là một hoạt động thiết thực, giúp chúng em hiểu hơn về vị trí việc làm, tính chất công việc và khả năng ứng dụng những kiến thức đã học trong công việc. Học bổng không chỉ động viên, khuyến khích mà còn là động lực để em phấn đấu hơn nữa trong hành trình học tập.

Trần Thị Thanh Trúc, sinh viên lớp Công nghệ Dệt K65 hào hứng khi nhận được học bổng hỗ trợ từ doanh nghiệp: “Học bổng thúc đẩy em phải có ý chí cố gắng hơn trong học tập, để có thể đạt được thêm nhiều thành tích. Những buổi giao lưu doanh nghiệp như hôm nay, cung cấp cho em cơ hội quý báu được tiếp xúc, hiểu biết hơn về định hướng của các công ty và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường”.

Để chương trình đào tạo theo sát nhu cầu thực tế của ngành và tăng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, trong những năm qua, khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang luôn xây dựng mối quan hệ hợp tác tích cực với các Doanh nghiệp Dệt May - Da giầy, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng phối hợp với nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên thực tập, thực hành tại các nhà máy, doanh nghiệp, hỗ trợ các chương trình sự kiện lớn của Khoa như: Cuộc thi thiết kế Thời trang... Và đặc biệt, nhằm khuyến khích những sinh viên có kết quả học tập tốt, các doanh nghiệp đã trích lợi nhuận để trao học bổng cho các em.

Với truyền thống hơn 69 năm đào tạo kỹ sư ngành Dệt May, khoa Dệt May – Da giầy và Thời trang, trường Vật liệu, ĐH Bách khoa Hà Nội là cơ sở uy tín trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành dệt may; là cơ sở duy nhất đào tạo trình độ đại học (cử nhân, kỹ sư) chuyên ngành Công nghệ giầy và sản phẩm da. Đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của xã hội, góp phần vào tiến trình phát triển ngành theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035.