Chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày đặt mục tiêu đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%.… kết nối các hành lang kinh tế, vùng động lực.

Cụ thể về đất nông nghiệp, để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42 - 43% và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 có 27,73 triệu ha. Trong đó, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu ha.

Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất, quy hoạch đến năm 2030 xác định là 15,85 triệu ha (chiếm 47,83% diện tích tự nhiên), đảm bảo yêu cầu phòng hộ, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Với mục tiêu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp chiếm 40% GDP, trong quy hoạch sử dụng đất tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển các khu công nghiệp. Đến năm 2030 có 210,93 nghìn ha, tăng 120,10 nghìn ha so với năm 2020.

Phát biểu thảo luận tại tổ chiều 29/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao bản quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) do Chính phủ xây dựng.

Đặc biệt, bản quy hoạch lần này được thực hiện theo phương pháp mới, hiện đại như điều tra, định mức, tiếp cận hệ thống, dự báo... Xác định cụ thể 3 ranh giới và 4 khu vực.

“Ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ, bảo tồn là đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất trồng lúa, hồ ao, di tích lịch sử… đất này là nghiêm ngặt bảo vệ, nguyên tắc bất di bất dịch. Ranh giới hạn chế phát triển như diện tích rừng tự nhiên, hành lang bảo vệ nguồn nước, đập ngập nước. Ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích cho phát triển kinh tế xã hội và huy động nguồn lực theo cơ chế thị trường”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Bên cạnh đó, bản quy hoạch sử dụng đất quốc gia lần này cũng được tính toán trên cơ sở sát thực tế hơn, cập nhật và đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu, tác động của dịch Covid-19…

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy hoạch đất là vấn đề rất quan trọng, là tài nguyên quốc gia nên phải đi trước, không chỉ cho hiện tại mà cho con cháu tương lai, nhưng đến năm 2019 vẫn còn 5 tình chưa phê duyệt xong quy hoạch đất đai.

Một trong những vấn đề lớn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia là đất trồng lúa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương của chúng ta là giữ ổn định 3,5 triệu hecta. Trong bản quy hoạch này giữ 3,5 triệu 68 nghìn hecta đất lúa. Cao hơn khoảng 68 nghìn hecta so với mục tiêu và nguyên tắc phải giữ.

“Đặc biệt là đất bờ xôi ruộng mật, đất 2 vụ lúa, việc chuyển sang mục đích khác phải kiểm soát nghiêm ngặt”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Riêng về đất dành cho phát triển công nghiệp tăng so với hiện nay khoảng 120 nghìn hecta. Ngay trong quy hoạch hiện hành mới chỉ thực hiện được khoảng 47%. Do vậy theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dư địa dành cho đất công nghiệp trong thời gian tới, bao gồm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… là rất lớn.

“Việc tăng quỹ đất dành cho công nghiệp để đáp ứng yêu cầu lâu dài tạo ra công ăn việc làm, sản lượng công nghiệp, GDP, thu nhập cho người lao động, thu ngân sách nhà nước… Tuy nhiên cũng phải rà soát kỹ, tránh việc hợp thức hóa việc điều chỉnh quy hoạch”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Để quản lý, sử dụng đất có hiệu quả, một trong những vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu tâm và trăn trở là làm sao xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai giống như cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư. Nếu xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất đai sẽ tránh tình trạng “vênh” về số liệu trong quy hoạch và trên thực tế.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025):

- Đất nông nghiệp, để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42 - 43% và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 có 27,73 triệu hecta.

- Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất, quy hoạch đến năm 2030 xác định là 15,85 triệu hecta (chiếm 47,83% diện tích tự nhiên), đảm bảo yêu cầu phòng hộ, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

- Đất công nghiệp: Đến năm 2030 có 210,93 nghìn hecta, tăng 120,10 nghìn hecta so với năm 2020.

- Đất quốc phòng, đất an ninh: Quy hoạch đến năm 2030 đất quốc phòng là 289,07 nghìn hecta, tăng 45,91 nghìn hecta; đất an ninh là 72,33 nghìn hecta, tăng 19,62 nghìn ha.

- Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia: Quy hoạch sử dụng đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia đến năm 2030 là 1,75 triệu hecta, tăng 412,20 nghìn hecta so với năm 2020. Trong đó: Đất giao thông là 921,88 nghìn hecta, đất cơ sở giáo dục đào tạo là 78,60 nghìn hecta, đất cơ sở y tế 12,04 nghìn ha, đất cơ sở văn hóa 20,37 nghìn hecta, đất thể dục thể thao 37,78 nghìn hecta đáp ứng yêu cầu về chỉ số phát triển con người (HDI) đến năm 2030.

- Đất đô thị: Cả nước hiện có 2,03 triệu hecta (gồm các loại đất nằm trong phạm vi địa giới hành chính các phường, thị trấn; các khu đô thị mới đã hình thành thuộc phạm vi phát triển đô thị); đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu hecta, tăng 925,78 nghìn hecta.