Bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần, bất cứ khi nào người dân gặp khó khăn là nơi đó có hình ảnh của màu xanh áo lính. Vượt mọi thử thách, sẵn sàng hy sinh không chỉ trong chiến đấu mà trong thời bình, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng. Biểu dương vai trò của Lực lượng vũ trang nhân dân trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn là trụ cột của quốc gia, đặc biệt là khi đất nước lâm nguy thì vai trò của Quân đội càng được phát huy mạnh mẽ. Quân đội Nhân dân Việt Nam là Quân đội Anh hùng; hiện đang đứng mũi, chịu sào nơi đầu sóng, ngọn gió trong trận tuyến phòng, chống Covid-19”. Những phẩm chất cao quý này của người lính được tỏa sáng như thư thế nào, phóng viên VOV2 đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Phùng Huy Thịnh, một người cũng từng là người lính trong quân ngũ.

BTV: Thưa nhà báo Huy Thịnh, là một người đã trải qua quân ngũ, ông có nghĩ rằng, nhiệm vụ người lính trong thời bình dường như cũng không hề đơn giản?

Nhà báo Phùng Huy Thịnh: Thực sự đây là những hi sinh rất lớn. Trong chiến tranh chúng tôi cũng có những hi sinh mất mát, nhưng đó là trong chiến đấu, đó là địch họa, khó tránh được. Còn đây là trong thời bình, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Bộ đội chúng ta đã trải qua những hi sinh mất mát, luôn ở bên cạnh nhân dân, cùng nhân dân chia sẻ những đau thương do thiên tai gây ra. Những người lính này đã vì nhân dân mà hi sinh. Tôi rất là xúc động.

BTV: Ông nghĩ sao khi trên mặt trận không tiếng súng, lực lượng quân đội vẫn phải vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh thậm chí cả tính mạng để đương đầu với “kẻ thù” là thiên tai, dịch họa… bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân? Tôi nghĩ đây là những sự hi sinh thầm lặng khi những người lính này đã bỏ lại sau lưng cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ để ngày đêm miệt mài phụng sự cho đất nước!

Nhà báo Phùng Huy Thịnh: Nói đến bộ đội là nói đến đức hi sinh. Thời nào cũng vậy. Bác Hồ đã nói, đây là một đạo quân chiến đấu, một đạo quân công tác. Thời thời chiến thì đó là lực lượng chủ chốt tuyến đầu, như chúng tôi đã từng tham gia những chiến dịch lớn để giải phóng đất nước. Trong thời bình thì các anh cũng phải tự túc phần lương thực, thực phẩm của mình bằng việc tăng gia sản xuất, sẵn sàng tham gia cứu giúp dân khi mà thiên tai như vừa rồi xảy ra. Đây là một lực lượng thống nhất về mặt nhân sự, chỉ huy.

BTV: Vâng, không có nhiệm vụ nào là dễ dàng, nhiệm vụ nào cũng có chông gai và thử thách. Không chỉ phát huy tốt nhiệm vụ của mình trong việc cứu hộ, cứu nạn bà con, trong công tác phòng chống dịch covid 19, những người lính vẫn đang là lực lượng nòng cốt, giữ vững vai trò là một trong tuyến đầu phòng chống dịch, nhất là những người lính biên phòng, những tấm lá chắn xanh ngăn chặn dịch covid xâm nhập vào nước ta qua đường biên. Vậy ông thấy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua đã thể hiện ở những chuẩn mực cơ bản nào?

Nhà báo Phùng Huy Thịnh: Thứ nhất đó là sẵn sàng hi sinh vì sự an toàn của nhân dân, đó là một trong những phẩm chất xuyên suốt của bộ đội cụ Hồ từ xưa đến nay. Thực sự rất cảm động. Mới đây có dịp vào Tây Nguyên công tác thì chúng tôi cũng được anh em ở đây cho biết thêm về công tác phòng chống dịch covid 19 của những người chiến sĩ canh gác vùng biên giới. Đặc biệt là mối quan hệ của bộ đội với nhân dân, bộ đội ở trong Đắc Lắk cũng vô cùng dũng cảm sát cánh cùng nhân dân, trong đó có tiểu đoàn bộ binh 303. Tôi cũng được biết là mối quan hệ của các anh ấy với bà con dân tộc là rất gắn bó. Nhắc đến bộ Cụ Hồ thì bà con luôn nói cảm thấy gần gũi.

BTV: Người lính luôn giữ vững kỷ cương và phẩm chất của mình đúng không thưa ông? Tôi khá tâm đắc với việc nhiều người ví người lính áo xanh là “ tượng đài trong lòng dân”, dù là trong thời chiến hay trong thời bình thì vẫn còn nhiều người lính đã phải hi sinh máu thịt của mình để thực hiện các nhiệm vụ, nơi nào gian khổ nhất sẽ có bóng dáng của bộ đội Cụ Hồ.

Nhà báo Phùng Huy Thịnh: Chính vì những việc này thì đại đa số trong số họ đã hi sinh rất nhiều, kể cả việc nghỉ phép về thăm gia đình. Có những người cán bộ 8 tháng nay chưa được nghỉ phép về thăm gia đình, đặc biệt là đối với những đơn vị bộ đội biên phòng, cần phải bảo vệ biên cương, hải đảo, thường xuyên phải thức khuya canh gác, nhường những vị trí tốt nhất cho bà con, góp phần lớn vào việc ngăn chặn dịch, cho nên có thể nói không nơi nào là không có bóng dáng của bộ đội cụ Hồ trong việc bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc

BTV: Vâng, thưa nhà báo Huy Thịnh, nhiều người lính, vì nhiệm vụ được giao, đã không thể về nhà trong suốt thời gian dài. Nhất là trong những đợt chống dịch như chống giặc vừa qua, có người con ốm, vợ đẻ, cha mất cũng không kịp về nhà, mẹ nhập viện cũng không về chăm sóc được. Từ góc nhìn của nhà báo, ông nói gì về những hi sinh thầm lặng ấy?

Nhà báo Phùng Huy Thịnh: Đây là sự hi sinh xuất phát từ tình cảm cũng như là trách nhiệm. Chúng tôi cho rằng những người lính giờ đây nhận được từ nhân dân, từ tôi niềm biết ơn vô hạn cũng như sự chia sẻ. Những người bộ đội thời nay có thể nói về vật chất thì tốt hơn nhưng gian khổ thì không hề kém thế hệ bộ đội thời giữ nước chúng tôi.

BTV: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy những người chiến sĩ rằng: Việc nhỏ: “Dù một cái kim, một sợi chỉ cũng không xâm phạm đến của dân”; Việc lớn: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hóa, nâng cao lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, cần phải nắm vững đường lối quân sự của Đảng, ra sức rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật, cần luôn nêu cao cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân”. Vì vậy các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Một lần nữa xin được cảm ơn nhà báo Phùng Huy Thịnh đã tham gia chương trình của chúng tôi ngày hôm nay.

Sư đoàn 968 đóng quân trên địa bàn ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là một trong những địa danh nổi tiếng ác liệt trong chiến tranh. Trong thời bình như hiện nay, dường như nhiệm vụ của những người lính sư đoàn cũng không kém phần nặng nề khi phải tham gia công tác phòng chống dịch Covid -19 cũng như cứu hộ cứu nạn bà con gặp thiên tai.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng, Chính ủy Sư đoàn 968 tâm sự "Sư đoàn 968 Quân Khu 4 của chúng tôi, trong chiến tranh thì rất khốc liệt nhưng mà trong thời bình thì địa bàn trọng điểm của thiên tai, bão lũ. Chúng tôi hay ví như là chảo lửa, là rốn mưa. Chính vì vậy song song với nhiệm vụ chính trị là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy, Chỉ huy binh đoàn 968 xác định nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân phòng chống thiên tai, dịch bệnh là hết sức quan trọng. 2020 là năm của thiên tai dịch bệnh, địa bàn Thừa Thiên Huế khắc nghiệt hơn so với địa bàn trên cả nước. Đơn vị chúng tôi đã chủ động phối hợp với địa phương giúp nhân dân khắc phục sự cố thiên tai, phòng chống dịch covid-19. Chống dịch như chống giặc. Đặc biệt tháng 4, tháng 5 là thời điểm công dân ở các vùng dịch trên thế giới trở về rất đông, Sư đoàn đã tổ chức hai điểm tiếp nhận gần 500 công dân về cách ly, cho các chiến sĩ đóng quân ở bên ngoài, nhường vị trí tốt nhất để phục vụ bà con. Để chống chọi và khắc phục hậu quả thiên tai, hàng ngàn chiến sĩ và hàng trăm lượt phương tiện đã được điều động đi giúp đỡ nhân dân. Quân đội là do dân, vì dân, từ dân mà ra, vì thế chúng tôi luôn giáo dục cho cán bộ chiến sĩ phải giữ vững truyền thống bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, gắn bó với dân".