Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Thế Bình- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, rác thải nhựa đang là một thách thức trên thế giới cũng như tại Việt Nam, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội và du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng đồng thời cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Nhận thức được yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước, Hiệp hội Du lịch Việt Nam với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp đã cùng với các doanh nghiệp tích cực, chủ động hưởng ứng mọi chủ trương, chính sách của nhà nước, hành động mạnh mẽ thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.

Trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã được Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP/GEF-SGP) phê duyệt thực hiện trong hai năm 2023-2024. Mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần duy trì sự hấp dẫn của điểm đến, từ đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước.

"Vấn đề rác thải nhựa ngày càng được quan tâm, các hướng dẫn và quản lý rác thải nhựa trong du lịch đã được nhiều tổ chức xây dựng phù hợp với từng đối tượng khác nhau, đem lại hiệu quả cao. Nhiều mô hình tốt từ dự án này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới để ngày càng có nhiều hơn nữa các cơ sở thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững", ông Vũ Thế Bình khẳng định.

Báo cáo về kết quả của Dự án, ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, qua 18 tháng triển khai, Dự án đã đạt được các kết quả đầu ra chính theo mục tiêu đặt ra, đó là thông qua các hoạt động truyền thông, hội thảo, toạ đàm, nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và ý thức, trách nhiệm, khả năng/năng lực quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội du lịch, người dân được nâng cao. Từ đó giúp đạt được các mục tiêu đưa ra tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đóng góp vào việc thực hiện các giải pháp toàn cầu về chống rác thải nhựa cũng như các cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa được xây dựng và ban hành góp phần lan tỏa các thông điệp, các thực hành và biện pháp quản lý tốt tới các doanh nghiệp du lịch thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đồng thời thúc đẩy, nhân rộng các giải pháp/sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, từ đó hình thành một công cụ quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch.

Tại hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá cao hiệu quả của dự án. "Thông qua các hoạt động của Dự án sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách vì mục tiêu: Du lịch không rác thải nhựa ở Việt Nam".

Ứng dụng (App) quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng và vận hành được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ phục vụ quản lý rác thải nhựa trong doanh nghiệp và hệ thống Hiệp hội Du lịch.

Đối với doanh nghiệp, đây là công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nắm bắt và quản lý thông tin về lượng rác thải trong đơn vị của mình, từ đó đề ra các biện pháp thực hiện nhằm giảm rác thải nhựa.

Đối với hệ thống Hiệp hội Du lịch, App cung cấp hệ thống báo cáo thu thập dữ liệu về tình hình triển khai việc thu gom, xử lý rác thải nhựa trên địa bàn, là công cụ để thu thập thông tin và công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa khi tham gia áp dụng Bộ Tiêu chí doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa.

Theo bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, cùng với Quảng Nam, Ninh Bình là địa phương thực hiện Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã đem lại hiệu quả tích cực. "Có những buổi tập huấn về giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch chúng tôi chỉ mời khoảng 100 người tham dự là những người chèo đò, nhân viên các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng... nhưng lại có hơn 200 người đến dự. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch, lưu trú cũng đã chủ động bắt tay hành động nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là nhựa dùng một lần ngay tại đơn vị. Đây là những tín hiệu vô cùng tích cực cho thấy sự thay đổi cả nhận thức và hành động của cộng đồng làm du lịch tại Ninh Bình".

Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Thanh, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa cần được giải quyết trong thời gian tới như: Chi phí đầu tư ban đầu cao, chưa có sự đồng bộ giữa việc thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong và ngoài các khu du lịch, du khách đến từ nhiều nơi nên còn mang theo rác thải nhựa trong lịch trình di chuyển, một số điểm tập kết rác thải dân sinh ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch… Do đó, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị, doanh nghiệp khi thực hiện thay thế các sản phẩm thân thiện với môi trường".

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt trọng tâm vào hợp tác quốc tế để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ giảm thiểu rác thải nhựa để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả của dự án.

Phấn đấu đến năm 2025, 75% thành viên hiệp hội nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, 100% khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và nhựa dùng một lần; 50% ban hành hướng dẫn giảm rác nhựa. Đến năm 2030, 100% thành viên loại bỏ nhựa dùng một lần, lồng ghép nội dung giảm rác nhựa vào quy chế hoạt động.

Hiệp hội cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng du lịch xanh, bền vững.