Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, mạng xã hội ngày càng trở thành một nhu cầu như “cơm ăn, nước uống” của nhiều người. Trong đó, livestream là một tính năng được sử dụng ngày càng phổ biến, tăng trưởng nhanh một cách bất ngờ.
Tính năng livestream được YouTube và Facebook cung cấp đến người dùng Việt Nam vào năm 2016. Tính năng này giúp người dùng mang tất cả những gì đang diễn ra trước mắt mình để chia sẻ với bạn bè, người thân xung quanh.
Người phát sẽ đóng vai trò như một "đài truyền hình" đang tường thuật trực tiếp một sự kiện cho khán giả là những bạn bè, người thân của mình trên mạng xã hội Facebook. Điều này giúp livestream ngày càng được ứng dụng nhiều từ mọi khía cạnh của cuộc sống như: hội họp trực tuyến, giám sát an ninh từ xa, dạy học từ xa, bán hàng qua mạng, họp báo trực tuyến.....
Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Livestream là một bước tiến rất rõ ràng của mạng xã hội. Thậm chí, nhiều người còn ví von rằng dường như bây giờ mỗi một cá nhân trong cộng đồng khi tham gia mạng xã hội, thì họ như một đài truyền hình thu nhỏ với nhiều khán giả, trong đó có những “đài truyền hình” trong nháy nháy ấy thu hút hàng triệu người theo dõi.
“Đến bây giờ chắc chúng ta cũng phải thừa nhận, một cuộc sống không có mạng xã hội chắc không còn là cuộc sống của hôm nay nữa. Và tôi cho rằng đó là một bước phát triển tất yếu của những tính năng rất siêu việt ấy”, anh Lê Anh nhấn mạnh.
Thế nhưng bên cạnh những tác động tích cực, điều đáng lo ngại hiện nay là không ít người đã lợi dụng các tính năng livestream để chia sẻ hình ảnh, video clip có nội dung mang tính xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, thậm chí vu khống, nói sai sự thật hoặc sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây hưởng xấu đến đời sống văn hóa tinh thần của toàn xã hội.
Bất chấp những tác hại, hệ lụy đối với người xem và xã hội, các chủ tài khoản này chỉ quan tâm thu hút được nhiều lượt yêu thích, theo dõi, bình luận, và mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân. Đáng lo là những livestream dạng này có tần suất xuất hiện ngày một nhiều. Và dù bị nhận xét là lố lăng, vô bổ, thậm chí gây hại cho lớp trẻ chúng vẫn có đất sống bởi được hàng triệu người dùng thiếu trách nhiệm.
Theo TS Lê Anh, hiện nay không thiếu những phiên livestream nhằm mục đích chĩa sự công kích vào người khác hoặc kích động sự thù hằn trong xã hội. Đây là một vấn đề rất đáng bàn ở thời điểm này để làm sao loại trừ đến mức tối đa những hành động lợi dụng tính năng livestream phục vụ cho mục đích cá nhân, không chính đáng.
Nói một cách gay gắt hơn, hiện tượng livestream một cách quá đà, vô tội vạ, bất kể giờ giấc, mọi lúc, mọi nơi đang tạo nên sự hỗn tạp và dẫn đến hệ lụy khó lường.
Ngoài những hệ lụy với xã hội, TS Lê Anh còn quan tâm đến một mối nguy hiểm nữa, đáng lo ngại hơn, đó chính là những đối tượng trẻ em khi xem, tiếp cận các phiên livestream với lời lẽ phản cảm, mang tính nhục mạ, tiêu cực sẽ bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới tâm lý, sự hình thành nhân cách của các em. Trẻ em xem các video này lâu dài có thể mất niềm tin vào xã hội, chán nản, không có ước mơ, không có động lực phấn đấu.
“Mặc dù các nền tảng mạng như facebook, youtube đều có những tuyên bố rất rõ ràng về việc lựa chọn đối tượng nào được xem và đối tượng nào không thể xem, không nên xem, không nên tiếp cận. Thế nhưng trên thực tế việc nó có ảnh hưởng như thế nào thì họ không ngăn ngừa được hết. Ví dụ như tiktok, đối tượng hướng đến chỉ là những em trên mười tuổi, nhưng vẫn có các em rất nhỏ cũng có thể xem được bằng cách thông qua người khác hoặc xem giấu diếm cha mẹ…Cho nên việc tuyên bố là một chuyện còn có thực hiện được hay không lại là chuyện khác”. TS Lê Anh phân tích.
Để làm trong sạch môi trường mạng, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, các cơ quan chức năng cần sớm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm quản lý và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Ngoài việc xử lý hành chính thì mức tiền phạt cũng phải tăng cao hơn.
Theo TS Lê Anh có 3 bài toán quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa những phiên livestream phản cảm, mang tính nhục mạ, vu khống người khác trên mạng xã hội. Bài toán đầu tiên là công nghệ trí thông minh nhân tạo cần được ứng dụng một cách triệt để. Tuy nhiên hiện nay, rõ ràng công nghệ cũng chưa đáp ứng được điều này. Các robot thông minh nhân tạo chưa thể nào giúp loài người ngăn chặn điều này, trong khi nếu làm chặt chẽ quá thì lại hạn chế quyền tự do ngôn luận, giảm đi giá trị của mạng xã hội. Điều này có thể rất nguy hại đến sự tiến bộ trong việc phát ngôn của mỗi người.
Bài toán thứ hai sẽ sát sườn hơn là chế tài xử phạt và cơ chế phát hiện tố giác các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Ở nước ta hiện nay các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tương đối đầy đủ, nhưng rất cần sự thực thi một cách nghiêm minh hơn.
Bài toán thứ ba, quan trọng nhất vẫn là nhận thức đúng đi đến hành động đúng của những người dùng mạng xã hội. Những kênh nhảm nhí, độc hại trên facebook, youtube sẽ không tồn tại khi người xem chủ động tẩy chay không theo dõi, không like và chia sẻ. Đặc biệt mỗi cá thể tham gia mạng xã hội đều có quyền tố giác, đánh giá hoặc báo cáo để các nhà mạng nhanh chóng có những ứng xử nhất là với các phiên livestream không phù hợp.
Mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream trên mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. TS Lê Anh cho rằng, đây là một động thái rất kịp thời để chấn chỉnh những bất cập và tồn tại mang tính tiêu cực trên không gian mạng hiện nay.
Việc tăng cường quản lý để loại bỏ những cá nhân bất chấp đạo đức, lợi dụng những tính năng hữu ích của mạng xã hội nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác là cần thiết. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng rất cần sự tỉnh táo, biết sàng lọc thông tin và hãy là những “công dân mạng thông thái”, có trách nhiệm với cộng đồng khi tham gia vào “sân chơi” này.
Nghe nội dung cuộc trao đổi giữa PV VOV2 với TS Trịnh Lê Anh ngay dưới đây