Mô hình thuyền du lịch sử dụng năng lượng mặt trời ở Đồng Tháp là một cách thức sản xuất sạch hơn sử dụng năng lượng xanh. Những chiếc thuyền máy du lịch có thể chở được 5 người lại không tốn nhiên liệu, do được sản xuất trong nước nên giá thành chỉ bằng ½ so với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, giải quyết được tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và phát thải khí độc hại ảnh hưởng đến môi trường do các thuyền truyền thống gây ra khi sử dụng nhiên liệu. Hay như việc sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời ở Hà Tĩnh, vừa đảm bảo không ô nhiễm môi trường, vừa đem lại công ăn việc làm cho nhiều người.Ông Nguyễn Xuân Thiều, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn cả nước hiện nay có rất nhiều sáng kiến, nhiều giải pháp sáng tạo để làm sao đưa được công nghệ mới, năng lượng xanh vào sản xuất, giải quyết vấn đề về môi trường. Chắc chắn rằng xu thế này sẽ ngày càng được sử dụng nhiều trên toàn quốc.

Còn đứng ở góc độ doanh nghiệp, với những công nghệ xanh từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là công nghệ của các doanh nghiệp châu Âu sẽ tạo cơ hội để cho doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về công nghệ xanh và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng xanh của người dân trong nước. Ông Nguyễn Đức Thuận, hội các nhà quản trị Việt Nam phân tích, để bảo vệ môi trường thì việc đầu tiên là bảo vệ và phát triển chính doanh nghiệp ứng dụng những công nghệ xanh trong sản xuất.

Việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sản xuất xanh của các nhà khoa học trong nước cũng như các doanh nghiệp đã tạo ra những công nghệ thiết thực và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Điều này cũng đang giúp các doanh nghiệp trong nước thay đổi nhận thức và cách sản xuất theo hướng xanh và sạch hơn. Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu, Việt Nam có chiến lược phát triển tăng trưởng xanh, Chương trình nghị sự, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững nhưng cần có sự gắn kết các chương trình nghị sự, chiến lược tăng trưởng xanh với biến đổi khí hậu, với môi trường, với doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp tư nhân trong nước có ý tưởng, có dự án sáng tạo nhưng lại không đủ tiềm lực tài chính để thực hiện. Kinh nghiệm của các nước phát triển mạnh công nghệ xanh trên thế giới hiện nay cho thấy, để phát triển hiệu quả đều có sự tài trợ và tham gia của Nhà nước vào các dự án lớn, kể cả nghiên cứu hay ứng dụng. Đây cũng là điều mà tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Văn phòng Phát triển Bền vững chia sẻ.

Trong giai đoạn công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nhiều công nghệ xanh được ứng dụng đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho cuộc sống và môi trường. Việc phát triển công nghệ sản xuất xanh không chỉ giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà còn giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay./.