Cần thúc đẩy sự phát triển của nghề xoa bóp, nâng cao cơ hội việc làm cho các kỹ thuật viên, nhân viên xoa bóp là người mù và tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực này là nội dung được đưa ra tại Hội thảo Massage người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 16 được Hội Người mù Việt Nam đăng cai tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Hội thảo Massage người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 16 có sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế; Ủy ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các cơ quan của Liên Hợp quốc, Hiệp hội Người mù Thế giới và khu vực, các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế, đại diện Hội người mù Việt Nam và các Ban, Bộ, Ngành, các nhà trường, tổ chức xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu khẳng định: Việc đào tạo chuyên sâu về nghề Massage đã mang lại cơ hội cho người khiếm thị được đóng góp phục vụ cộng đồng, tham gia ngành chăm sóc sức khỏe, nâng cao thu nhập của bản thân và tạo thêm việc làm cho nhiều người đồng tật khác, cũng như giúp các cơ sở y tế điều trị bệnh có thêm một phương pháp hiệu quả trong công tác phòng bệnh, điều trị bệnh.
Với chức năng, nhiệm vụ do Hội người mù Việt Nam giao, trong nhiều năm qua, Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù không ngừng tìm kiếm giải pháp để nâng cao trình độ cho các kĩ thuật viên massage là người mù Việt Nam trong lĩnh vực trị liệu bằng các phương pháp của Y học cổ truyền nói chung và xoa bóp bấm huyệt nói riêng, nhằm giúp họ phát huy tiềm năng, đóng góp được nhiều hơn nữa trong lĩnh vực trị liệu, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ đó, giúp người mù Việt Nam cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao vị thế, hòa nhịp được với sự phát triển của khu vực và thế giới.
Với mục tiêu trên, năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Trường Cao đẳng Y dược Thăng Long tổ chức đào tạo lớp Y sĩ Y học cổ truyền cho 33 học viên là người mù trong cả nước. Sau gần 3 năm đào tạo, khóa học đã kết thúc vào tháng 8 năm 2022 với kết quả tương đối tốt. Song để hoàn thành được mục tiêu cua khóa học, Trung tâm cũng trải qua không ít khó khăn, thách thức, có thể kể đến như: Nhà nước chưa có các quy định hỗ trợ cho việc người mù học ngành y nói chung và y học cổ truyền nói riêng. Điều này đã tạo nên không ít khó khăn cho cả người học lẫn các cơ cở đào tạo trong bối cảnh ở Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo y học cổ truyền riêng cho người mù; thiếu phương tiện, trang thiết bị cũng như hệ thống tài liệu phù hợp với người mù để phục vụ cho từng môn học. Đặc biệt là những thiết bị hỗ trợ đặc thù trong việc học y học nói chung và y học cổ truyền nói riêng; với nhiều bộ môn khác nhau trong chương trình, lực lượng giáo viên có kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy cho người khiếm thị trong lĩnh vực này còn thiếu và đang gặp không ít khó khăn...
Nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác đào tạo với các chương trình chuyên sâu, dài hạn, ThS. Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù chia sẻ một số kinh nghiệ cũng như kiến nghị một số giải pháp:
- Thứ nhất, Hội người mù các nước cần kiến nghị để Nhà nước có các quy định rõ ràng, cụ thể về hỗ trợ cho người mù học y học cổ truyền cũng như các cơ sở đào tạo có chuyên ngành y học cổ truyền sẵn sàng nhận người mù tham gia học tập ở trình độ cao.
- Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ hoặc tạo cơ chế thuận lợi để những cơ sở đào tạo cho người mù có thể phát triển thành cơ sở đào tạo riêng về xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu nói riêng và y học cổ truyền nói chung cho người mù ở trình độ chuyên sâu.
- Thứ ba, có kế hoạch và chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên nguồn là người khiếm thị ở trình độ cao.
- Thứ tư, kiến nghị Nhà nước có quy định cho một số trường, học viện có thể đào tạo chuyên ngành y học cổ truyền cho người mù và hỗ trợ kinh phí để các cơ sở này cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm một số thiết bị giảng dạy, học tập phù hợp.
- Thứ năm, cần tuyên truyền để cộng đồng hiểu đầy đủ và yên tâm sử dụng các dịch vụ trị liệu, chăm sóc sức khỏe của người mù khi họ có đủ các điều kiện về chuyên môn và pháp lí.
Khoảng cách định kiến xã hội với người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung đang ngày càng thu hẹp lại thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin và mạng máy tính. Phát triển các Ứng dụng CNTT gắn với kinh doanh dịch vụ Tẩm Quất massage là bước đột phá lớn, thay đổi diện mạo, phương thức quản lý, mở rộng tính tiếp cận đồng thời nhờ công nghệ mà những rào cản, bất tiện của lao động khiếm thị đối mặt nhiều năm qua sẽ dần bị xóa bỏ. Đây là ý kiến của ông Nguyễn Trung Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp thuộc Hội Người mù Thành phố Hà Nội.
Ông Thái cho rằng, mạng lưới Cơ sở Tẩm quất người mù Hà Nội do Trung tâm xây dựng, vận hành trên môi trường không gian mạng sẽ góp phần hình thành loại hình dịch vụ phổ biến, văn minh, nâng cao chất lượng đời sống và nguồn thu nhập bền vững cho người khiếm thị.
Đây là hướng đi kịp thời nhằm thực hiện Quyết định số 411/QĐ-Ttg ngày 31/03/2022 về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 và hướng đến 2030 với quan điểm: “Phát triển mỗi người dân thành một doanh nhân số, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng.”
Theo đó, từ năm 2015, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp thuộc Hội Người mù Thành phố Hà Nội chuyển hướng đào tạo đa chiều: Đào tạo Tẩm quất cơ bản, nâng cao, phương pháp mới; các kỹ năng mềm; kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng mạng xã hội; kiến thức khởi nghiệp, marketing online thông qua các dự án hỗ trợ từ các tổ chức NGOs cho khoảng 500 lượt người.
Năm 2022, Trung tâm xây dựng Mạng lưới Cơ sở Dịch vụ Tẩm quất người khiếm thị vùng Hà Nội với 40 cơ sở có uy tín và ra mắt website Tamquatnguoimuhanoi.org dưới sự tài trợ của công ty Microsoft Việt Nam và công ty Zen8lab. Website đi vào hoạt động từ tháng 12/2022, đưa mô hình dịch vụ Tẩm Quất người khiếm thị lên một bước tiến mới.
Hội thảo Massage người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 16 diễn ra trong 3 ngày với nhiều nội dung tham luận, chủ đề phong phú như: Đẩy mạnh đào tạo nghề massage chuyên nghiệp và trang bị các kỹ năng mềm cho kĩ thuật viên massage khiếm thị; Quản lý hoạt động massage: truyền thông, marketing, dịch vụ và ứng dụng công nghệ thông tin; Phát triển massage y học ở các nước trong khu vực và trao quyền cho các kỹ thuật viên khiếm thị; Các kết quả nghiên cứu điều trị bệnh và những đóng góp của massage người khiếm thị trong phục hồi sức khỏe hậu Covid-19.
Thông qua Hội thảo, các đơn vị trong nước được giao lưu, học hỏi thêm về học thuật, chuyển giao kỹ thuật, cũng như hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân trong khu vực để có thể giới thiệu kỹ thuật Massage hiệu quả đến với các tổ chức chăm sóc sức khỏe ở Châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, nếu các giải pháp được ứng dụng trên thực tế, người mù Việt Nam sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Từ đó, có cơ hội phát huy tiềm năng, khẳng định vị thế, vươn lên hòa nhập bình đẳng với cộng đồng./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: